Dòng sông Hồng quanh năm chở nặng phù sa, đóng một vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân Thủ đô và các địa phương có con sông chảy qua. Và cũng dòng sông này còn chứa một lượng cát vô cùng phong phú. Có lẽ chính vì lý do này mà thời gian qua, nạn khai thác trộm cát ở sông Hồng đặc biệt tại khu vực xã Thụy Phú (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã khiến dòng sông này đang từng ngày bị bức tử…
 

 

“Cát tặc” hoành hành

Theo người dân phản ánh, chúng tôi có mặt ở khu vực thôn Đại Gia (Thụy Phú, Phú Xuyên, Hà Nội) vào một ngày giữa tháng 7 để tìm hiểu về nạn khai thác trộm cát tại đây. Người dân cho chúng tôi biết, đa phần họ đã sinh sống ở đây từ lâu đời. Những năm gần đây, do sự thay đổi của dòng chảy sông Hồng, đặc biệt là do nạn khai thác cát bừa bãi, trái phép tại khu vực này nên cả khu vực đất canh tác hàng vạn mét vuông đã bị kéo sạt xuống sông. Trước đây, từ chỗ nhà dân cách sông từ 50 đến 60 mét thì đến nay nhiều nhà dân chỉ còn cách sông chừng 3 đến 5 mét. Còn nhớ, vào tháng 10/2008, trận mưa lũ lớn đã đe dọa đến cuộc sống của người dân khu vực này và thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để khắc phục tình trạng sạt lở trên. Tuy nhiên, niềm vui “ngắn chẳng tày gang” khi người dân lại phải đối mặt với nỗi lo “cát tặc”. Hơn một năm nay, có những ngày có tới hàng chục con tàu thi nhau cuốc và hút cát, với khối lượng hàng vạn mét khối cát được khai thác từ kè Cát Bi đến kè Đại Gia (đều thuộc xã Thụy Phú). Khi người dân bức xúc gửi đơn đến các cơ quan chức năng và một số cơ quan báo chí đã phản ánh về tình trạng này thì vài tháng trở lại đây, các tàu cuốc, tàu hút từ chỗ hoạt động ban ngày đã chuyển sang hoạt động từ khoảng nửa đêm đến sáng hôm sau. Đã nhiều lần, người dân tự tổ chức xua đuổi các đối tượng hút trộm cát nhưng sức người có hạn không thể canh gác 24/24h nên những chiếc tàu cuốc, tàu hút vẫn tiếp tục xuất hiện. Theo người dân, có thể do đoạn sông Hồng tại khu vực xã Thụy Phú có lượng cát nhiều và đẹp nên thời gian qua nạn khai thác trộm cát mới diễn ra ngang nhiên và liên tục như vậy.

Cụ Đỗ Thị Giẽ (năm nay đã 91 tuổi) cho biết, gia đình cụ là gia đình có công với cách mạng và được Nhà nước quan tâm xây dựng cho ngôi nhà tình nghĩa nằm cạnh ven sông Hồng. Tuy nhiên, từ khi nạn khai thác trộm cát hoành hành tại khu vực này, cứ đêm đến, nằm trong nhà và nghe tiếng hút cát của các con tàu, cụ lại thấy bồn chồn, lo lắng không yên bởi chẳng biết ngôi nhà của mình sẽ bị sạt lở xuống sông lúc nào.

Chính quyền bất lực

Bên này sông Hồng là khu vực xã Thụy Phú, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) và bên kia sông là địa phận thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Lợi dụng điều này, các đối tượng khai thác cát trái phép đã dùng các tàu hút, tàu cuốc “cày xới” dòng sông Hồng mà không hề bị xử lý.

Tại buổi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Công Hòa, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phú Xuyên cho biết: Tình trạng khai thác cát trái phép tại khu vực mà người dân phản ánh là có thật. Tuy nhiên, cái khó chính là việc tổ chức bắt giữ và xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép này. Mặc dù chính quyền rất kiên quyết trong việc kiểm tra, xử lý nhưng các đối tượng khai thác cát tại khu vực Thụy Phú, Phú Xuyên khi thấy lực lượng chức năng đến thì lại chạy sang địa bàn thuộc huyện Khoái Châu, Hưng Yên nên chúng tôi đành chịu vì không có chế tài xử lý”. Cũng theo ông Hòa, do Hà Nội và Hưng Yên chưa có sự chỉ đạo thống nhất và phối hợp hiệu quả trong công tác này nên việc xử lý nạn khai thác cát trái phép vẫn chưa thể có một biện pháp thực sự hữu hiệu và khả thi. Bên cạnh đó, các đối tượng thường lợi dụng ban đêm để khai thác nên việc kiểm tra, xử lý càng khó hơn, nhất là đối với các cơ quan hành chính. Ông Hòa cho biết thêm, hiện nay huyện cũng đã báo cáo sự việc này lên các cơ quan cấp trên để tìm hướng giải quyết.

Người dân cho rằng, việc đắp đê, đắp kè nhằm mục đích ngăn nước, tránh lũ lụt, thế nhưng nếu như nạn hút trộm cát vẫn cứ tiếp diễn tại khu vực này thì công trình hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước sẽ có nguy cơ bị phá hoại và cuộc sống của nhiều người dân đang hàng ngày bị đe dọa. Chưa kể đến việc cát khai thác trộm được vận chuyển đi tiêu thụ với những chiếc xe có trọng tải lớn đã làm xuống cấp các tuyến đê trọng yếu dọc sông Hồng.

Xem ra, nạn khai thác trộm cát tại nơi đây vẫn chưa thể có hồi kết, nếu như các cơ quan chức năng không có biện pháp thực sự khả thi và vào cuộc một cách quyết liệt hơn. Để rồi cứ mỗi khi đêm về, tiếng tàu hút trộm cát vẫn cứ hoạt động xen lẫn tiếng thở than của dòng sông Hồng và tiếng thổn thức của người dân nơi đây.
 

Phóng sự của Đắc Thái