Người trồng lúa, nuôi heo, ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản phải vay “nóng” với lãi suất cao gấp nhiều lần của hệ thống ngân hàng để mua phân bón, thức ăn gia súc, xăng dầu, gạo, đá, để sửa chữa, và cả đóng mới tàu thuyền… Những câu chuyện có thể rất khó tin với hệ thống ngân hàng và các nhà hoạch định chính sách vĩ mô, nhưng… sự thật đến nhói lòng đã được phóng viên Báo Lao Động tìm hiểu và phản ánh trong chuyên đề “Khi nông, ngư dân chỉ còn “cửa” vay nặng lãi” để làm ăn, khởi đăng từ số báo hôm nay.
 
Nhóm ngư dân này than khó vay vốn ngân hàng để đóng mới tàu nên phải sửa chữa con tàu cũ này để tiếp tục bám biển. Ảnh: Lao động
Nhóm ngư dân này than khó vay vốn ngân hàng để đóng mới tàu nên phải sửa chữa con tàu cũ này để tiếp tục bám biển. Ảnh: Lao động
 
Bài 1: Ngư dân các tỉnh duyên hải miền Trung: Chới với... vay nặng lãi ra khơi
 
Ngư dân Nguyễn Văn Trọng - chủ tàu cá DNa- 90316 ở quận Thanh Khê (Đà Nẵng) - cho biết, với một chuyến xa khơi đánh bắt nghề lưới cản, lưới quay với tàu công suất lớn trên 90CV thì “tổn” phí cho chuyến biển là gần 200 triệu đồng; rất hiếm trường hợp tàu cá đủ vốn để sắm “tổn”, phần lớn là vay “nóng” từ tư nhân với lãi suất cao, có khi lên tới 25- 30%/năm.
 
Bám biển bằng tàu cũ nát
 
Ngồi trên chiếc tàu vừa cập bến đang neo đậu ở cảng Cửa Sót (Hà Tĩnh), anh Nguyễn Văn Trung (SN 1978, trú xóm Giang Hà, xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà) than thở: "Cá mú ít lắm chú ơi, người ta tàu to đánh bắt xa bờ thì được nhiều, chứ tàu tui nhỏ, đánh gần không ăn thua". Hỏi sao không đầu tư tàu lớn như người ta, anh Trung tâm sự: Để vay được tiền ngân hàng không hề đơn giản. Số tiền cho vay cũng hạn chế không được như mong muốn. Vài năm trước, anh phải thế chấp sổ đỏ với ý định vay 300 triệu đồng để đầu tư tàu lớn, nhưng rồi ngân hàng chỉ giải quyết cho vay được 100 triệu đồng, nên chỉ đủ sửa lại con tàu cũ chứ không thể đóng tàu mới. Bởi, chi phí đóng tàu mới cũng phải mất khoảng 500 triệu đồng. 
 
Đang hì hục vá lại con tàu cũ nát, thấy phóng viên hỏi chuyện vay vốn, một nhóm 5 - 6 ngư dân chung nhau con tàu cũ này trải lòng: “13 hộ gia đình chúng tôi chung nhau con tàu này đã 12 năm. Nó hư hỏng, cũ nát sửa đi sửa lại nhiều lần rồi. Muốn đóng mới con tàu lớn để tiếp tục ra khơi, nhưng vay vốn khó khăn lắm". Theo phản ánh của họ, thực tế Nhà nước có chủ trương hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu thuyền, nhưng số tiền bị chia thành nhiều giai đoạn. Đến nay, sau gần 2 năm đóng tàu, nhưng một số trường hợp vẫn chưa nhận đủ số tiền hỗ trợ. Trong khi để đóng mới một con tàu tầm trung, ngư dân phải đi vay “nóng” bên ngoài lãi suất cao cho đủ số tiền 500 - 700 triệu đồng.
 
Ông Lê Tiến Hải – Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Hải Hà (xã Thạch Kim) chuyên sửa chữa tàu thuyền, gia công cơ khí, kinh doanh ngư cụ - cũng cho rằng, việc dùng pháp nhân của HTX để vay vốn các tổ chức tín dụng nhà nước là khó khăn. Bản thân ông cũng đại diện HTX của mình đi vay vốn, nhưng không được ngân hàng giải ngân. Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim - ông Biện Ngọc Cường - cho rằng, ngân hàng có những quy định điều kiện được vay, mức cho vay cụ thể từng trường hợp chứ không thể muốn vay nhiều là được. Tuy nhiên, ông Cường cũng khẳng định có việc người dân vay “nóng” nhau khi cần tiền để đầu tư, làm ăn, và chính quyền địa phương cũng đã khuyến cáo người dân không nên vay bên ngoài lãi suất cao.
 
Chỉ “nậu” cá là giàu có
 
Việc giải quyết vốn vay lưu động cho từng chuyến ra khơi của ngư dân hiện vẫn là bài toán nan giải. Ngư dân Nguyễn Văn Trọng - chủ tàu cá DNa-90316 ở quận Thanh Khê (Đà Nẵng) - cho biết, với một chuyến xa khơi đánh bắt nghề lưới cản, lưới quay với tàu công suất lớn trên 90CV thì “tổn” phí cho chuyến biển là gần 200 triệu đồng. Rất hiếm trường hợp tàu cá đủ vốn để sắm “tổn”, phần lớn là vay “nóng” từ tư nhân với lãi suất cao, đôi khi từ 25- 30%/năm; hoặc phải mua nợ vật tư, lương thực từ các “nậu”.
 
 
Theo ông Trọng, “nậu” biển không cho nợ một cách vô tư, mà còn những ràng buộc ngặt nghèo về việc phải bán lại sản phẩm với giá o ép. Nếu mua vật tư mà nợ tiền từ 20-50% thì giá cung ứng vật tư, lương thực sẽ dễ chịu hơn, nhưng nếu nợ “tổn” hoàn toàn thì giá bán của "nậu" cao gấp nhiều lần so với thị trường, tính ra cao ngang ngửa các mức vay nặng lãi. Mặt khác, sau khi đánh bắt vào bờ, ngư dân buộc phải bán cá với giá bị o ép, thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
 
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) - rất bức xúc: “Ngư dân chúng tôi xưa nay mắc vào vòng luẩn quẩn về thiếu vốn. Hiện nay năng suất đánh bắt rất cao, nhưng đời sống không thể cải thiện được; dân Lý Sơn đánh bắt được mùa cá ngừ đại dương, nhưng lại mất giá bán. Đối với con cá ngừ đại dương loại 30-40kg/con, ngư dân Phú Yên, Bình Định bán được 55.000 đồng/kg, nhưng ngư dân Lý Sơn, Bình Châu ở Quảng Ngãi bị “nậu” ép giá mua chỉ 35.000 đồng/kg. Đã thế, họ còn gian lận về cân đo. Con cá đáng 15kg, vào tay “nậu” cân chỉ còn 10kg. Rồi việc cấn trừ nợ là vô tội vạ, với giá đắt đỏ. Người dân đều biết rõ, song vì phụ thuộc nguồn vốn vay, việc cho ứng trước “tổn” phí nên phải ngậm đắng chấp nhận”.
 
Phát biểu chưa được kiểm chứng từ ông Chinh còn chỉ rõ, chỉ 6 chủ “nậu” ở cảng Sa Kỳ thuộc xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) nhưng đã thâu tóm hàng ngàn tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi. Trong khi đời sống thu nhập của ngư dân, chủ tàu ngày càng tệ đi, thì các “nậu” giàu lên trông thấy. Họ mua nhà, đất đai ở cả TP.Quảng Ngãi, TPHCM, và mua cả đoàn xe đông lạnh...
 
Theo Lao động
.