Không phải cử nhân thất nghiệp nào cũng nỗ lực tìm kiếm việc làm. Không ít cử nhân ung dung từ chối cơ hội việc làm hoặc bỏ việc vì cho rằng công việc “không xứng” để rồi thất nghiệp.
 


Ông Nguyễn Trọng Đức, chủ một doanh nghiệp về sản xuất bao bì ở Q. Tân Phú, TPHCM cho hay, có nhiều SV mới ra tường đến xin việc đã đưa ra mức lương ban đầu 10 - 20 triệu đồng - mức của cấp quản lý. Có bạn mới vào đã đòi hỏi ngay vị trí cao và tỏ ra bất mãn khi phải xử lý nhiều công việc mà họ cho là không phải nhiệm vụ của mình.

Nhiều cử nhân không nhìn nhận thực tế sự cạnh tranh trên thị trường lao động ngày càng cao, doanh nghiệp sẽ đưa ra những tiêu chí, đòi hỏi khắt khe để tuyển được ứng viên phù hợp, xử lý được nhiều việc. Hơn nữa, đặc điểm của thị trường Việt Nam là lương khởi điểm thấp, có mức chênh lệch lớn giữa lương nhân viên là cấp quản lý.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cử nhân thất nghiệp và nhiều lý do không thể khắc phục trong ngày một, ngày hai. Nếu chỉ đỗ lỗi hết cho hoàn cảnh, thiếu cái nhìn thực tế về bản thân cũng như về thị trường lao động để nỗ lực hết mình thì cử nhân sẽ còn thất nghiệp dài dài.

Lời khuyên của nhiều chuyên gia nhân sự, để tránh thất nghiệp, SV ra trường cần trau dồi chuyên môn, ngoại ngữ và kỹ năng để tăng sức cạnh tranh của bản thân. Điều quan trọng không kém là các bạn đừng ngại bắt đầu từ những vị trí thấp, lương khởi điểm chưa cao để có một lộ trình công việc vững chắc.
 
Nói về nghịch lý có bằng cấp lại dễ thất nghiệp, nhà giáo dục Giản Tư Trung cho rằng, những người học trường nghề hoặc không có bằng cấp họ rất thực tế, họ hiểu về bản thân mình. Còn nhiều người có bằng cấp nhưng không có năng lực để xin việc phù hợp và cũng không chịu làm những công việc phổ thông, tay chân hay bắt đầu từ những vị trí thấp hơn. Họ đang tự “trói” mình trong trong bi kịch, khốn khổ lớn nhất của đời người là không lao động.
 

Theo Dân trí

.