Sau khi có thông tin các hộ gia đình có thu nhập 18 triệu đồng/tháng sẽ được hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ để mua nhà ở thu nhập thấp, nhiều người đã không khỏi ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng là bởi với mức thu nhập đó, họ có thể vay mượn thêm để mua được nhà giá rẻ với mức chênh lệch so với nhà thu nhập thấp chỉ vài triệu đồng/m2. Bên cạnh đó, thủ tục vay vốn và mua nhà đơn giản hơn rất nhiều và họ không phải đợi 10 năm sau mới thanh lý được tài sản này.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận thất vọng nhất chính là cách lý giải của một vị Thứ trưởng ngành Xây dựng. Tại buổi công bố kế hoạch giải ngân 10.000 tỉ đồng cho vay mua nhà của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, khi giải thích về tiêu chí vay mua nhà cho người thu nhập thấp, vị Thứ trưởng này cho rằng, dựa trên kết quả điều tra xã hội học tại TP.Hà Nội và TP.HCM, thu nhập bình quân của mỗi gia đình là 180 triệu đồng/năm (tương đương khoảng 15 triệu đồng/tháng, với một gia đình có 2 vợ chồng đi làm, tổng thu nhập 18 triệu đồng/tháng hoàn toàn có thể tham gia gói vay mua nhà 30.000 tỉ và có phương án trả nợ tốt.
“Theo cách tính toán của thế giới, mỗi gia đình phải dành 30% thu nhập cho vấn đề nhà ở. Do đó, hộ gia đình thu nhập 18 triệu đồng sẽ có tối thiểu nguồn quỹ 5,4 triệu để lo việc trả nợ gốc và lãi”. Với lãi suất 6%/năm, tiền phải trả ngân hàng bình quân khoảng hơn 25 triệu, do lãi được tính theo dư nợ giảm dần. Tính bình quân mỗi tháng, gia đình phải trả 4 triệu tiền gốc và hơn 2 triệu tiền lãi. Như vậy với tối thiểu 30% thu nhập của mình, gia đình này có thể trả nợ được” – vị Thứ trưởng cho biết.
Với cách tính này không hẳn tôi mà nhiều người dù chưa xây dựng gia đình cũng sẽ không thể không phản đối. Bởi đây là cách tính gộp của hai người có thu nhập cao cộng lại mới có thể mua nhà thu nhập thấp. Còn những cá nhân có thu nhập lên tới 10 triệu đồng đi chẳng nữa cũng không thể mua được nhà thu nhập thấp, bởi một tháng họ phải trả tới 5,4 triệu tiền lãi cho ngân hàng, vượt qua ngưỡng 30%, - 1/3 thu nhập hằng tháng dành cho chi phí nhà cửa. Vô hình chung theo cách tính này, những hộ cá nhân đơn lẻ bị loại ra khỏi chương trình hỗ trợ mua nhà thu nhập thấp.
Trong khi các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở thu nhập thấp gồm: Hộ gia đình có ít nhất 1 người hoặc cá nhân (trường hợp là hộ độc thân) thuộc đối tượng sau đây: Cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thuộc cơ quan Đảng, Nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp; viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang...
Nhìn vào đối tượng thành phần được quy định như vậy thì thử hỏi trong số này có bao nhiêu cặp vợ chồng có thu nhập 18 triệu đồng trở lên để được vay mua nhà thu nhập thấp. Rõ ràng, đây không phải là gói hỗ trợ dành cho người có thu nhập thấp mà dành cho những người có thu nhập khá và cao trong bối cảnh hiện nay.
Thử đặt ra một bài toán đơn giản: Nếu tính hai vợ chồng đều là công chức, viên chức cống hiến được 10 năm ở ngạch chuyên viên, bậc ba (3.0 x 1.050.000 đồng) thì mức thu nhập tổng cộng kể cả làm thêm cũng chỉ ở con số trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Vậy bao giờ họ có thể mua nhà thu nhập thấp được ?
Trong khi đó, Việt Nam hiện đứng thứ 11 thế giới về số lượng người nghèo (14,3 triệu người, chiếm 16,9% dân số) và cũng nằm trong số nước có lượng người nghèo cao nhất khu vực. Lâu nay Việt Nam được xem là một trong những nước thành công nhất về giảm nghèo, tuy nhiên đó là theo chuẩn nghèo cũ, thấp hơn chuẩn quốc tế.
Nếu tính theo chuẩn nghèo mới của Việt Nam (1,61 USD/ngày cho khu vực thành thị và 1,29 USD/ngày cho khu vực nông thôn) thì tỷ lệ nghèo trên toàn quốc là 20,7%. Còn nếu so với chuẩn của quốc tế 2 USD Mỹ một ngày (tính theo PPP) thì có hơn 40% người Việt Nam nằm dưới mức nghèo. Một bản phân tích của Viện Brookings (một trong những nhóm nghiên cứu hàng đầu của Mỹ) năm 2011 cho thấy 70,4% người Việt Nam sống dưới mức 5 USD Mỹ một ngày.
Cứ ngẫm điều này tôi lại thấy giật mình, vì mới tuần trước đây khi về thăm quê lúa Thái Bình, một nông dân nói với tôi: “Tuần trước tôi có xem ti vi thấy có ông Đại biểu Quốc hội phát biểu nên thay bổ sung từ mua lúa bằng mua thóc tạm trữ cho nông dân, nhưng ông Đại biểu ấy không giải thích rõ vì sao phải thay thế cụm từ lúa bằng thóc. Bởi nông dân chúng tôi từ ngàn đời nay vẫn gọi lúa khi trồng nó ở trên cánh đồng, còn lúa chín gặt rồi gọi là thóc, chú à!”. Buông chiếc điếu cày, phả một hơi thuốc dài, ông trầm tư nói: “Tháng này, vợ chồng con trai tôi ở trên Hà Nội lại bảo gửi lên cho nó ít gạo quê. Vợ chồng gì mà làm công chức hơn chục năm rồi vẫn cứ ngửa tay xin bố mẹ gạo mãi thế…”.
Xuân Hưng