Ngày 4/5, Ông Đặng Công Huẩn - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì buổi công bố kết luận thanh tra về chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Ông Đặng Công Huẩn - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết đây là cuộc thanh tra được tiến hành theo đúng quy định pháp luật, được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo.

leftcenterrightdel

Ông Đặng Công Huẩn - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu tại buổi công bố kết luận. 

Theo thông báo kết luận thanh tra, tỉnh Kiên Giang, các Sở, Ngành, UBND cấp huyện vi phạm trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, môi trường.

Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh và các đơn vị hành chính cấp huyện chưa kịp thời, chậm so với quy định. Thời kỳ 2011 - 2014, 145/145 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh không lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết. 

Mặt khác, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc chưa kiểm tra, giám sát thường xuyên đã dẫn đến nhiều dự án đầu tư chậm tiến độ trong thời gian dài; có trường hợp đã được gia hạn tiến độ nhiều lần nhưng chậm được xử lý theo quy định, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, đặc biệt là các dự án đầu tư trên địa bàn huyện Phú Quốc.

“Trên cơ sở kết quả thanh tra, TTCP đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các bước theo quy định của pháp luật để xem xét thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi đất đối với 43 dự án đầu tư chậm tiến độ nhiều năm”, kết luận của TTCP nêu rõ.

Trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 6/2018, UBND huyện Phú Quốc và UBND các xã, thị trấn trực thuộc đã buông lỏng quản lý về đất đai, về trật tự xây dựng đô thị, dẫn tới nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp nhằm mục đích phân lô, tách thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ để chuyển nhượng. Đáng lưu ý, từ tháng 01/2016 đến tháng 6/2017, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Kiên Giang cho phép tách 17.808 thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ (dưới 500 m2) trên địa bàn huyện Phú Quốc, dẫn tới tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện đảo này diễn ra hết sức phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản chưa được quan tâm đúng mức; chậm ban hành quy định tỷ lệ quy đổi từ trọng lượng ra khối lượng để làm cơ sở tính thuế tài nguyên; việc khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản còn chưa chính xác.

UBND tỉnh chưa thật sự chú trọng đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường nói chung, trong đó có việc xử lý rác thải, nước thải; đặc biệt là trên địa bàn huyện Phú Quốc...

Kết luận thanh tra cũng cho rằng việc buông lỏng quản lý rừng của Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc và Vườn quốc gia Phú Quốc dẫn tới tình trạng các hộ dân lấn chiếm đất rừng diễn ra trong một thời gian dài nhưng chậm được ngăn chặn xử lý.

Thậm chí có một số hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn với diện tích đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Vườn quốc gia Phú Quốc.

Theo Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011 - 2017 chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành chung; thủ trưởng các Sở, Ngành và chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực thuộc chịu trách nhiệm chính đối với vi phạm, thiếu sót tại kết luận thanh tra.

Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn lưu ý, trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra nếu gặp khó khăn, vướng mắc, các Sở, Ngành, địa phương có liên quan liên hệ Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 3; Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, để được hỗ trợ, hướng dẫn. 

Thay mặt lãnh đạo địa phương, ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thống nhất với toàn bộ nội dung kết luận thanh tra. Đồng thời cho biết, sau buổi làm việc này, UBND tỉnh sẽ tiến hành xây dựng kế hoạch để thực hiện kết luận thanh tra./.

Sơn Tùng - Tuấn Anh