Đây là các trường hợp bị kỷ luật trong 6 năm (2013-2019) kể từ khi chuyển lực lượng Thanh tra xây dựng về Sở Xây dựng. Số liệu này được Sở Nội vụ nêu ra tại tờ trình gửi UBND TP HCM về đề án thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng thuộc UBND quận, huyện ngày 29/4.
Trong đó có 14 công chức bị buộc thôi việc, các mức còn lại là cảnh cáo, khiển trách, phê bình… Đặc biệt, đã từng có cán bộ bị khởi tố trách nhiệm hình sự như trường hợp ở Nhà Bè, Vĩnh Lộc A.
Tại tờ trình của Sở Nội vụ, hiện nay biên chế Thanh tra xây dựng có gần 1.000 nhân sự được bố trí tại Sở Xây dựng và 24 Đội thanh tra địa bàn quận, huyện.
Trước đó, TP HCM thành lập lực lượng Thanh tra xây dựng trực thuộc UBND các quận huyện và xã phường theo Quyết định 89 của Thủ tướng năm 2007. Đến năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 26 quy định Thanh tra xây dựng còn hai cấp là Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở. Theo đó, toàn bộ Thanh tra xây dựng tại TP HCM đưa về Sở Xây dựng quản lý với khoảng 1.000 biên chế. Ở cấp quận, phường chỉ còn các Đội trật tự đô thị phụ trách trật tự lòng đường, vỉa hè.
Cho rằng việc này tạo "khoảng trống" phối hợp giữa Sở Xây dựng và chính quyền địa phương là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng xây dựng trái phép xảy ra. Vì vậy, TP HCM đã xin ý kiến Thủ tướng cho thí điểm lập lại Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND các quận huyện như trước đây.
Việc thành lập này trên cơ sở sát nhập các Đội thanh tra địa bàn thuộc Thanh tra Sở Xây dựng và Đội Quản lý trật tự xây dựng thuộc UBND quận, huyện.
Đề xuất của TP HCM đã được Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương. Tháng 12/2019, UBND TP HCM có tờ trình chính thức gửi Thủ tướng về đề án nêu trên. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu UBND TP HCM cần lấy ý kiến của các Bộ, Ngành, địa phương có liên quan và có ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ.
Trong tờ trình gửi UBND TP HCM, Sở Nội vụ cho biết hiện đã có văn bản góp ý của các Bộ, Ngành có liên quan và đã hoàn thiện đề án để trình UBND TP HCM xem xét trình Thủ tướng trong thời gian tới./.