So với những trò chơi khác thì trượt patin là môn thể thao lành mạnh thích hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên, hình thức thể thao này đang làm nảy sinh nhiều mối lo.
 


Đùa giỡn với tử thần

Với đặc thù là môn thể thao vận động nên người chơi patin chủ yếu là thanh thiếu niên từ 7-18 tuổi. Đây là môn thể thao tạo cho các em sức khỏe, sự khéo léo cũng như khả năng phản xạ, xử lý tình huống nhanh nên được rất nhiều bạn trẻ tham gia. Không khó để bắt gặp hình ảnh những thanh, thiếu niên trượt patin lao vun vút trong dòng xe cộ ngược xuôi trên các con phố Trần Phú, Điện Biên Phủ, xung quanh hồ Hoàn Kiếm, hay gần các công viên,…đặc biệt vào những ngày cuối tuần. Điều đáng nói là ngoài việc trượt patin trực tiếp ngay trên lòng đường, nhiều em còn không dùng các phụ kiện bắt buộc phải có như mũ bảo hiểm, hay bảo hiểm khuỷu tay, khuỷu chân... Các bạn trẻ thường hình thành các nhóm trượt từ 3 - 5 người, hoặc nhiều hơn, dàn hàng ngang, di chuyển nhanh, vượt đèn đỏ, kéo thành hàng dài, lạng lách trên đường phố ảnh hưởng trực tiếp tới các phương tiện tham gia giao thông. Thậm chí, nhiều em còn đeo tai nghe nhạc khi đua patin luồn lách trên đường phố mặc cho dòng phương tiện tham gia giao thông bấm còi inh ỏi.


Em Nguyễn Tuấn Minh, học lớp 10, ở quận Ba Đình cho hay, hàng ngày em thường cùng nhóm bạn đến các sân tập hay công viên để được thể hiện niềm đam mê và thi thố. Sau khi trượt xong, Minh lại cùng nhóm bạn lạng lách trên các tuyến phố để trở về nhà. Minh hào hứng, do được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nên em đã làm quen với bộ môn trượt patin từ khi còn nhỏ. Khi Minh cùng bố mẹ về Việt Nam vẫn không từ bỏ niềm đam mê môn thể thao này, đến nay, Minh đã gắn bó với nó gần 10 năm. “Bố mẹ rất ủng hộ em vì đây là một môn thể thao khá thú vị, rèn luyện sức khoẻ. Hiện phong trào trượt patin được rất nhiều bạn trẻ ở Hà Nội tham gia, nhiều bạn còn trở thành những tay trượt patin “đẳng cấp” và em cũng nằm trong số đó…” - Minh tự hào.

Tuy nhiên, Minh cũng thừa nhận để trở thành những tay trượt patin “chuyên nghiệp” không hề đơn giản. Riêng việc giữ thăng bằng trên một đôi giày có bánh xe, nếu ai chưa quen thì rất khó thực hiện. Những ngày đầu mới tập, việc bị ngã, sứt đầu mẻ trán là chuyện thường.

Khi được hỏi, trượt patin ở nơi đông người, nhiều phương tiện qua lại khiến có các em cảm thấy sợ không thì chúng tôi nhận được câu trả lời chính việc len lỏi giữa các phương tiện lại gây cho các em cảm giác thích thú, đó là cảm giác chiến thắng chính mình. Với những bạn nhỏ mới “gia nhập” bộ môn này, hay có ít kinh nghiệm thường được bố mẹ đưa đón bằng xe máy đến điểm tập, còn những bạn trẻ cho rằng mình đã thành thạo với trò chơi này thường tự trượt trên đường mà không cần ai hỗ trợ.

Có chế tài nhưng khó xử lý

Hiện có không ít bạn trẻ còn tự chế những chiếc patin có tốc độ trượt cao, nếu chẳng may xảy ra sự cố, người chơi khó có thể phanh hay xử lý kịp thời, gây nguy hiểm đến tính mạng. Theo Nghị định số 34/2010 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì hành vi vi phạm sử dụng bàn trượt, patin, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử phạt gặp rất nhiều khó khăn vì những người chơi patin chủ yếu là đối tượng thiếu niên trong độ tuổi đi học, chỉ có thể giáo dục, nhắc nhở.

Hiện Phòng CSGT – CATP Hà Nội đã yêu cầu một số đơn vị trên địa bàn tổ chức khảo sát và điều tra các tụ điểm vui chơi và các tuyến đường thường tập trung nhiều đối tượng thanh thiếu niên trượt patin để tổ chức tuyên truyền, vận động chấp hành tốt các quy định về Luật Giao thông đường bộ. Ngoài ra, Phòng cũng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình không chấp hành các quy định khi tham gia giao thông trên tuyến đường công cộng. Đồng thời, phối hợp với các trường tổ chức những buổi tuyên truyền, nhắc nhở các em học sinh không được tùy tiện đi patin dưới lòng đường, nếu vi phạm sẽ bị báo về trường học để có hình thức xử lý. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các em vui chơi an toàn thì các bậc phụ huynh cần kết hợp với nhà trường nhắc nhở con em mình có ý thức hơn trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, để môn thể thao này không còn là một mối lo cho đường phố.
 

Theo ANTĐ

.