(BVPL) - Sau những ngày Tết đầu năm, đã có rất nhiều người từ già đến trẻ, thanh niên nam, nữ rồng rắn chầu chực ở tư gia các “thánh” để xem bói, xin lộc, giải hạn, “dọn đường” âm, dương cho năm Giáp Ngọ. Và hình như xem bói đang trở thành “trào lưu” cùng với những dịch vụ như: mua bán đồ lễ, cúng thuê, giải hạn… nhờ thế mà ngày càng ăn nên làm ra.

 


Trong khi ngồi chờ thầy gọi, những câu chuyện ma mị về cuộc đời “thánh” được rỉ tai nhau: “Thánh” thiêng lắm. Trước đây thánh cũng là người bình thường, vợ chồng thánh rất nghèo. Tết không có tiền mua quả đành mua một bộ bài về thờ. Lúc đang ở vườn rau, thánh bất ngờ bị một con rắn lục cắn vào chân. Khi tỉnh dậy, thì trở thành “Thánh” như bây giờ”. Người nào nghe xong cũng xì sụp lạy không ngớt.

Cách nhà thầy Hà không xa, một thanh niên chừng 25 tuổi sau khi bị tai nạn giao thông bỗng dưng cũng thành “thánh”. Người dân ở đây gọi là “thánh trẻ”. Người đến chầu chực xem bói cũng đông không kém. Nhiều người kiên trì đợi từ 2 đến 3 ngày mới được xem. Cuộc đời “thánh trẻ” cũng ly kỳ không kém. Một đêm đi chơi về gặp tai nạn “thánh” bị chết lâm sàng trong mấy ngày. Tỉnh dậy, “thánh” kể mình vừa ở cõi trên về và được Phật tổ chọn làm “thánh” trở về cứu độ…

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Võ Văn Hòe  - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian TP. Đà Nẵng, mục đích đi lễ hội của người dân ngày nay cũng như xưa. Khi cuộc sống của họ gặp bế tắc họ thường dựa vào đời sống tâm linh để thỏa mãn, an ủi một phần nào đó. Họ tin rằng có một lực lượng siêu nhiên giúp họ vượt qua khó khăn và xem đó là một trợ lực. Nhờ đó, họ có thể đứng lên bám trụ và phát triển trong cuộc sống. Tuy nhiên ngày xưa người ta không sùng bái và mê tín như bây giờ. Người dân đến đình làng, miếu mạo… để thắp hương cầu nguyện phải qua nhiều khâu từ việc mua hương, mua bì, mua sớ... Lực lượng tổ chức quy ra nhiều thứ phép tắc buộc người dân phải theo. Con đường đến với tín ngưỡng, tâm linh dường như dài hơn với rất nhiều chi phí.

Những năm trở lại đây nhiều địa phương đang hướng đến giữ gìn, bảo vệ các giá trị văn hóa tâm linh, công trình kiến trúc tôn giáo để vừa phục vụ đời sống tinh thần vừa phát triển du lịch tâm linh. Và việc phát triển du lịch tâm linh phải luôn gắn với các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó cần phải có sự tham gia của chính quyền địa phương và người dân.  Đặc biệt, sự kết hợp khéo léo giữa phần lễ và hội sẽ dung hòa được đời sống tâm linh và đời sống thực trong cộng đồng.
 

Thu Huệ

.