Dưới đỉnh Ngọc Linh quanh năm sương mù bao phủ, hành trình đi tìm con chữ của con em đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng nhọc nhằn còn hơn cả việc kiếm cái ăn, cái mặc thường ngày. Nơi đó, nhiều đứa trẻ với niềm mơ ước bình dị là được học trong ngôi trường không dột nát, không bị “đứt bữa”, có áo đủ ấm trong mùa giá lạnh...
 
Trường mẫu giáo ở thôn 1, xã Trà Nam nằm ngay trên tuyến đường chính nhưng lại quá nhỏ hẹp và tềnh toàng. Tường bằng ván, mái lợp tôn tạm bợ. Gió lùa vào phòng ngủ các cháu. Trường có hàng chục cháu nhỏ 3 - 6 tuổi, nhưng có đến 13 cháu ở các rẻo rất xa xôi. Từ nhà đến trường, bố mẹ phải địu các cháu đi bộ mất ít nhất một giờ đồng hồ. Do đường sá đi lại khó khăn, gặp trời mưa to gió lớn, nhiều cha mẹ bất đắc dĩ phải ở lại trường nội trú nhiều ngày để cùng ăn, cùng ngủ với con cái. Nhà ở nóc Long Linh (thôn 1, xã Trà Nam) cách xa trường 6 - 7 cây số đường rừng, nên bà Hồ Thị Chúc phải dắt díu 4 đứa cháu ở lại nội trú tại trường. Khác với những học sinh mầm non sáng đi chiều về, bà Chúc cùng 4 đứa cháu của mình ở lại trường 6 ngày, đêm/tuần. Cứ thứ 2 đầu tuần, gia đình bà chuyển lương thực, thực phẩm đến trường học đủ đáp ứng cho 6 ngày ăn liên tục. Bà Chúc thật thà: “Từ trước tết âm lịch đến nay, mình và bọn trẻ đi học, sinh hoạt tại trường này cả tuần mới về nhà một lần. Các cháu còn quá nhỏ không đủ sức để leo núi vượt rừng mỗi ngày nên mình phải ở lại trường sinh hoạt cho tiện”. Cô giáo Trần Thị Ái Ân cho biết, các cháu học nội trú tại trường  (từ 2 đến 6 tuổi) là con em của đồng bào Xê Đăng thuộc diện hộ nghèo. Ngoài các cháu nhỏ, còn có phụ huynh ở lại trường sinh hoạt với giáo viên như người trong một nhà. Điều kiện hiện tại của trường quá đơn sơ, thiếu thốn, nước mưa luôn chảy, gió tạt vào các phòng ngủ, ăn...
 
Để tạo điều kiện cho các em được phổ cập mẫu giáo, thời gian qua ngành giáo dục huyện Nam Trà My hỗ trợ chế độ ăn trưa cho mỗi em học sinh 5 nghìn đồng/buổi. Theo Quyết định 60, ngày 6.10.2011 của Chính phủ về hỗ trợ một số chính sách cho giáo dục mầm non ở miền núi giai đoạn 2011 - 2015, hỗ trợ cho trẻ 3 - 4 tuổi và Quyết định 239 của Chính phủ thực hiện đề án phổ cập giáo dục cho trẻ em miền núi 5 tuổi với mức mỗi em 120 ngàn đồng/tháng, nhưng học kỳ 1 năm 2015 - 2016 đã tạm dừng chi trả nên nhiều hộ đồng bào Xê Đăng lại càng khó khăn trong việc đưa con đến trường mẫu giáo.
 
Theo Báo Quảng Nam
 
.