"Thanh Hóa - Hội An" từ hồn đất
Cập nhật lúc 22:47, Chủ nhật, 10/01/2016 (GMT+7)
TP.Hội An vừa thực hiện hai trụ biểu bằng gốm lắp đặt ở công viên mang tên Hội An tại TP.Thanh Hóa, nhằm thể hiện sự gắn kết giữa hai thành phố trong lịch sử mở cõi về phương Nam. ( Hội An, Thanh Hóa, Làng nghề)
TP.Hội An vừa thực hiện hai trụ biểu bằng gốm lắp đặt ở công viên mang tên Hội An tại TP.Thanh Hóa, nhằm thể hiện sự gắn kết giữa hai thành phố trong lịch sử mở cõi về phương Nam.
|
Nghệ nhân đắp từng miếng đất. |
Mỗi trụ có chiều cao gần 8 mét, đường kính hơn 1 mét được các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà dày công thực hiện. Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên - Giám đốc Công viên gốm đất nung Thanh Hà, người phát thảo ý tưởng và thiết kế trụ biểu, nội dung trên hai trụ điêu khắc mang tính đặc tả, khái quát về văn hóa, lịch sử của hai TP.Thanh Hóa và Hội An.
|
Làm lò để hong cho đất khô. |
Trụ phía nam mang ý nghĩa mở mang bờ cõi về phương Nam, trong đó có những bậc tiền hiền, những dòng họ thủy tổ phát tích từ Thanh Hóa “hành phương Nam mở cõi”, dừng bước bên bờ sông Thu Bồn, tạo dựng nên những làng quê trù phú và đô thị thương cảng quốc tế một thời phồn thịnh, để lại cho con cháu đời sau những di sản vô giá… Hình ảnh trên thân trụ đặc tả những giá trị đặc trưng về vùng đất và con người Hội An với hình ảnh thương cảng xưa, phố cổ, chùa Cầu, làng quê…
|
Kỹ thuật làm đất. |
Trụ phía bắc khắc họa thành phố Thanh Hóa kiên cường vững vàng đi lên trong thời kỳ kháng chiến cũng như năng động trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Theo đó, những giá trị đặc trưng về vùng đất và con người Thanh Hóa với hình ảnh Sông Mã, trống đồng, anh hùng Lê Lợi, cầu Hàm Rồng… được các nghệ nhân thể hiện sống động.
|
Do thời tiết mưa, không phơi khô bằng nắng, phải sấy khô đất trước khi nung. |
Nghệ nhân Hoàng Thành Truyền - nhóm trưởng thực hiện cho biết: Đây sẽ là hai trụ gốm đầu tiên lớn nhất cả nước. Do quá lớn, nên các nghệ nhân phải chia mỗi trụ thành 8 thớt, mỗi thớt chia thành 8 miếng để dễ nung. “Việc thực hiện hai trụ biểu xuất phát từ tâm huyết và sự sáng tạo, tài nghệ của các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà. Phải tính toán nung làm sao cho tránh bị cong, mo làm mất đi những họa tiết. Đặc biệt phải giữ cho độ chính xác cao và không bị rêu, mốc bám vào” - nghệ nhân Hoàng Thành Truyền chia sẻ.
Khi trụ biểu hoàn thành.
|
Phối cảnh trụ biểu khi hoàn thành |
Theo Báo Quảng Nam
.