(BVPL) - Thống kê của Bộ Công an cho thấy, số người nghiện ma túy và sử dụng trái phép các chất ma túy trên toàn quốc có hồ sơ quản lý hiện nay là 204.377 người. Người nghiện ma túy có ở 100% tỉnh, thành phố. Người nghiện cũng đã xuất hiện ở mọi thành phần trong xã hội từ học sinh, sinh viên, đến cán bộ công chức, người lao động… Vấn đề cai nghiện đang được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết.
Nhiều rào cản
Hiện cả nước có tới 124 cơ sở quản lý người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy do Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, có tới 15 trung tâm không có học viên, 38 trung tâm có số lượng học viên dưới 50 người. Lý giải về tình trạng người nghiện lang thang nhiều trong khi trung tâm cai nghiện thưa vắng, hầu hết các địa phương đều cho rằng còn quá nhiều rào cản để đưa họ vào trung tâm. Trong đó, rào cản lớn nhất chính là kinh phí và các vướng mắc trong việc thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực cai nghiện ma túy. Theo ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chúng ta đặt vấn đề quá cao trong việc xác định tình trạng nghiện, làm nhiều test, đặt nhiều áp lực trên vai cán bộ y tế. Bên cạnh đó, ông Phong cho rằng, một trong những bất cập lớn nhất là người nghiện từ 12 đến dưới 18 tuổi lẽ ra phải được quan tâm chăm lo nhiều hơn nhưng hiện vẫn áp dụng theo Luật Phòng chống ma túy.
Bên cạnh đó, việc cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng hiện chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của địa phương. Đến nay, mới chỉ có 31/63 tỉnh, thành có kế hoạch triển khai đề án đổi mới công tác cai nghiện. Trong đó, chỉ có 9/31 tỉnh, thành tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn nêu trên, địa phương cần chú trọng thực hiện các công việc trọng tâm, như: xây dựng và trình Chính phủ ban hành các nghị định sửa đổi, bổ sung thủ tục đối với công tác cai nghiện bắt buộc và nghị định về cai nguyện ma túy tự nguyện. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020”. Đây là đề án được Chính phủ phê duyệt từ tháng 12/2013, có những thay đổi sâu sắc trong nhận thức và hành động đối với việc cai nghiện ma túy, như: cơ sở khoa học chứng minh nghiện ma túy là một căn bệnh mạn tính của não; xem người nghiện là người bệnh cần được điều trị lâu dài trong cộng đồng, chứ không phải người xấu cần bị cách ly.
Mô hình cần nhân rộng
Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động - xã hội số 5, Hà Nội, một trong những trung tâm đi đầu trong cả nước về chuyển đổi mô hình cai nghiện bắt buộc sang tự nguyện.
Đã 17 năm làm bạn với cái chết trắng, anh Nguyễn Đình Vân, Thường Tín, Hà Nội nhiều lần cai nghiện nhưng đều không thành công. Hai tháng gần đây anh Vân vào Trung tâm chữa bệnh giáo dục, lao động xã hội số 5 cai theo hình thức tự nguyện đã đem lại hiệu quả rõ rệt, anh Vân đã được cắt cơn, sức khỏe cải thiện đáng kể và tâm lý rất thoải mái. Không chỉ riêng anh Vân mà đã có hơn 800 người đã tìm đến Trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số 5 để làm lại cuộc đời. “Chìa khóa” thành công của trung tâm cũng như của người nghiện đó là nhờ chuyển đổi từ mô hình cai nghiện bắt buộc sang mô hình cai nghiện tự nguyện từ 1/1, chỉ trong 5 tháng, đã tiếp nhận khoảng 870 học viên.
Theo đề án thí điểm, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội hỗ trợ toàn bộ tiền ăn (20.000 đồng/người/ngày), tiền đồ dùng cá nhân, tiền thuốc cắt cơn, điều trị bệnh thông thường, kinh phí điện nước, vệ sinh, sát trùng, văn hóa, thể dục thể thao… cho tất cả những người đến cai nghiện tự nguyện.
Khác với thời gian cai nghiện bắt buộc là hai năm, hình thức cai nghiện tự nguyện chỉ kéo dài 3-6 tháng. Anh Vân tâm sự: Cai nghiện bắt buộc thì thực sự không chủ động cho mình mà ép buộc mình nên tâm lý khi đi cai không thoải mái như cai tự nguyện. Động lực thực sự của mình vào đây 3 tháng là cố gắng làm sao khi ra ngoài cộng đồng sẽ từ bỏ được ma túy.
Tâm lý thoải mái, quyết tâm của người nghiện khi lựa chọn đi cai nghiện tự nguyện chính là chìa khóa quyết định hiệu quả của công tác cai nghiện. Chương trình cai nghiện tự nguyện cũng được cải thiện phù hợp với mong muốn của học viên khi thời gian thăm gặp gia đình linh hoạt, rất ít thời gian cho lao động sản xuất để tăng thời gian hoạt động thể thao rèn luyện sức khỏe, giải trí... Anh Lê Nam, Trưởng phòng Tư vấn giáo dục, Trung tâm chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội số 5 cho biết, chúng tôi cố gắng khơi dậy cho người nghiện sự mong muốn được cai nghiện và điều trị. Chúng tôi đã phân tích trong 214 trường hợp và kết quả khá khả quan, những người tham gia điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện đa số họ rất có ý thức tự giác. Điều ấy là một bước vững chắc khi mà người ta tham gia tái hòa nhập cộng đồng.
Từ bài học của Trung tâm chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội số 5 cho thấy, để đạt được kết quả như mong đợi thì cần phải có lộ trình cũng như sự vào cuộc của cả cộng đồng để bản thân người nghiện cũng như người thân của họ nhận thức đúng đắn được hiệu quả của mô hình cai nghiện tự nguyện.
PV