(BVPL) - Thời gian qua, người trồng rau xanh truyền tay nhau những loại thuốc gọi là “thần dược”. Loại thuốc này có khả năng giúp cây tăng trưởng nhanh chóng, mẫu mã đẹp và rút ngắn được thời gian thu hoạch…

 


Sử dụng thuốc kích thích tràn lan

Theo khảo sát, gần đây rất nhiều hộ nông dân trồng rau đã sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng. Ở các vựa rau trên địa bàn Thủ đô, không chỉ Dương Nội (Hà Đông) mà các nơi khác như: Đông Anh, Quốc Oai, Thường Tín, Hoài Đức, Gia Lâm, Từ Liêm… tràn ngập các loại vỏ thuốc kích thích tăng trưởng.

Tại Dương Nội, khá nhiều vỏ bao thuốc trừ sâu, thuốc kích thích in cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài (chủ yếu là chữ Trung Quốc) nằm vương vãi trên bờ ruộng của nông dân. Trong số này, vỏ bao ghi rõ “Đặc trị bệnh khô vằn, DUO XIAO MEISU”. Đây là loại thuốc dùng đặc trị bệnh khô vằn trên cây lúa nhưng vẫn được các hộ dùng để phun tràn lan cho rau. Bên cạnh đó là vỏ loại thuốc AGRNIL 75 WP phân phối bởi Công ty CP JIA NON BIOTECH. Loại thuốc này trị bệnh nấm trên lúa và dưa hấu, không dùng cho rau nhưng cũng được phun cho rau. Đặc biệt, có cả vỏ thuốc trừ sâu dạng lọ nhãn hiệu BONNUS có thành phần chlorpyrifos Ethyl 40% được cảnh báo “độc cao”, cũng nằm rải rác  ở các con mương dẫn nước. Loại thuốc này diệt các loại sâu cho cây công nghiệp, cây lúa nhưng lại được nhiều người dùng để phun cho… rau cải.

Chị Thủy, một thương lái chuyên thu mua rau từ vựa rau Ninh Sở, huyện Thường Tín để rải các chợ đầu mối khu vực Hà Nội tiết lộ: “Lạ gì việc người ta dùng thuốc kích thích tăng trưởng. Ví dụ với cây hành, người trồng thường dùng loại viên sủi, cứ 4 ngày bơm một lần, khi thu hoạch hành rất đẹp lá. Rau đắt thì bơm kích thích càng nhiều, nhất là dịp cuối năm, trồng bao nhiêu cũng không đủ bán”.

Chị Thủy cho biết thêm: “Các loại thuốc kích thích được bán rất nhiều ở các đại lý thuốc trừ sâu, thuốc thú ý… Những loại thuốc kích thích cho rau như C sủi loại 502, 702 dùng phun hành tỏi hiệu nghiệm lắm; các loại khác thì dùng để kích củ, quả”.

Những hệ lụy khó lường cho sức khỏe

Để tìm hiểu về thị trường của những loại “thần dược” này, chúng tôi trực tiếp đóng vai người cần mua hàng, đến các đại lý bán buôn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).Vừa nghe có khách cần thuốc kích thích cho rau mầm lên nhanh, bà chủ cửa hàng đại lý D.L. (địa bàn Hà Nội) đã nhanh nhảu đưa ra một loạt các loại thuốc có tác dụng kích thích rau mầm như: N3M, Boom, Atonik... Theo lời quảng cáo của chủ cửa hàng: “Những thuốc này đều kích thích cực nhanh cho rau, củ, quả,…phun thuốc này vào chỉ 2-3 ngày là có thể thu hoạch được”.

TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đất - Phân bón và Môi trường, Viện Thổ nhưỡng - Nông hóa Việt Nam khẳng định: Hiện trên thị trường tràn lan các loại thuốc kích thích rau trái, sử dụng sai mục đích thuốc. Cùng với đó là các loại thuốc kích thích thực vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không được phép bán trên thị trường cũng được dùng để kích thích rau mầm. Điều này về lâu dài sẽ gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng như thuốc kích thích tăng trưởng Boom có hàm lượng nitrophenol nguyên chất trong chai tới 20%. Tuy nó phân hủy nhanh nhưng trong thời gian cách ly quá ngắn từ lúc trồng cho tới lúc thu hoạch như rau mầm thì vẫn tồn dư thuốc.

Về ý kiến của một vị quan chức thuộc lĩnh vực BVTV cho rằng: Đối với những loại thuốc kích thích sinh trưởng trong danh mục thuốc BVTV thì chỉ căn cứ vào độ độc cấp tính LD50. Với chỉ số này, nếu thuốc kích thích tăng trưởng có độc cấp tính thì chỉ khi nào một người mỗi ngày ăn hết 2,5 tạ rau thì mới bị ngộ độc, TS. Đặng Vũ Thị Thanh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền vững, Hội Khoa học Kỹ thuật BVTV Việt Nam cho hay, ý kiến này chưa khoa học, bởi không ai có thể ăn hết 2,5 tạ rau trong vòng 1 ngày? Và mỗi loại thuốc sẽ có hoạt chất, phụ gia khác nhau. Yếu tố chỉ liều lượng đó dựa trên cơ sở thí nghiệm với chuột. Đối với con người, cần căn cứ loại rau này có tồn dư cao hay thấp, độ đào thải của con người thế nào.

Ăn phải những thực phẩm chứa chất kích thích sinh trưởng hạt gây khả năng tích nước trong người. Ngoài ra, lượng gây độc cho người sẽ tích dần qua thời gian. Thậm chí, sự tích lũy này có thể gây nên các bệnh như ung thư, dị dạng thai nhi... cũng giống như trường hợp bị nhiễm chất độc da cam. Mặc dù biết tác hại của những loại thuốc kích thích tăng trưởng trên nhưng vì lợi nhuận, người trồng rau vẫn “lờ” đi, coi như không biết gì…  
 

Nguyễn Hiên

.