(BVPL) - Mỗi lần lên xã vùng cao Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình tôi lại khám phá thêm được những câu chuyện lạ của người Ma Coong. Bên ché rượu cần, những câu chuyện về dòng suối cấm, lễ hội “ngoại tình”, luôn được người Ma Coong kể trong niềm tự hào như một nét văn hóa của họ.

 


Theo lời của Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch - Đinh Hợp lý giải thì cuộc sống của đồng bào Ma Coong phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên nên từ trong tâm thức, người Ma Coong rất có ý thức để bảo vệ thiên nhiên. Cấm bắt cá ở đoạn suối này như là một cách mà người Ma Coong bảo vệ nguồn tôm cá của họ được sinh sôi nảy nở để muôn đời dòng suối của người Ma Coong luôn có cá. Cũng theo ông Đinh Hợp, trước đây khi cá còn nhiều thì thời gian cấm đánh bắt cá trên suối Cấm ngầm quy định trong vòng chín tháng của một năm, bắt đầu từ ngày 20/4 Âm lịch đến ngày 16/1 năm sau. Nhưng hiện nay do nguồn tài nguyên cạn kiệt dần nên bà con nới lỏng thời gian này để bà con đánh bắt thêm một tháng nữa. “Đáng buồn là hiện nay nhiều người dưới xuôi lên bất chấp quy định của người Ma Coong, họ vẫn đánh bắt cá trên dòng suối, khiến người Ma Coong buồn lắm. May mà nhờ bộ đội Biên Phòng can thiệp được nên cũng đỡ”. Giọng già làng  bản Bụt - Đinh Sầm buồn buồn ở cuối câu chuyện.

Lễ hội đập trống của người Ma Coong

Lên Thượng Trạch, không ai là không biết đến lễ hội đập trống của người Ma Coong. Lễ hội được tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng hàng năm mà chúng tôi thường gọi là đêm “ngoại tình của người Ma Coong”. Thực ra đây là lễ hội lớn nhất và trước đây thì lễ hội này cũng là Tết của người Ma Coong. Sau này người Ma Coong ăn Tết theo Tết cổ truyền của người Kinh nhưng lễ hội này đối với họ cũng là một cái Tết. Lễ hội đập trống được bắt nguồn từ truyền thuyết ngày xưa người Ma Coong.

Ngày đó, người Ma Coong làm lụng vất vả suốt cả năm nhưng vẫn không đủ no. Bao nhiêu của cải họ làm được đều bị con khỉ già có chiếc trống thần lấy mất. Vào mùa thu hoạch của người Ma Coong, khi khỉ già đánh vào chiếc trống thần thì bao nhiêu lúa ngô, của cải của dân bản đều chạy theo khỉ già. Đời sống của dân bản vì thế triền miên trong đói khổ, không có Tết. Tức giận, người Ma Coong bày mưu, nghĩ kế để lấy trống thần từ tay khỉ già. Vào một đêm tháng Giêng trăng sáng, khi con khỉ già no say, ngủ say như chết, già làng sai người tới nhà khỉ già lấy trống thần về và đánh cho thủng trống. Từ đó dân bản không bị mất của, làm ăn no đủ, con cháu không bị đau ốm nữa. Và cũng từ đó khi lúa ngô trên nương đã được đưa về cất trong nhà, vào đêm trăng sáng người Ma Coong lại mở hội đập trống nhảy múa để mừng mùa trăng mới và coi đó như là ngày Tết của dân tộc mình.

Kể từ đó cứ rằm tháng Giêng khi trăng sáng, người Ma Coong lại mở hội, làm lễ cúng giàng xin cho mùa sau cây cối tốt tươi, uống rượu cần, nhảy múa thâu đêm và đập cho kỳ vỡ mặt trống mới thôi. Lễ hội này còn được xem như là đêm hội của tình yêu bởi nó hướng tới tín ngưỡng phồn thực của người Ma Coong. Thanh niên nam nữ ngất ngây trong men rượu cần vừa trổ tài đánh trống vừa nhảy và hét vang “ roa lữ Giàng ơi” (sướng quá trời ơi, vui quá Giàng ơi). Tất cả quyện vào nhau, vai khoác vai cùng vui theo nhịp trống. Mặt trống rung lên bần bật không ngừng, không  nghỉ, hòa cùng tiếng chiêng cộng thành âm hưởng dậy trời giữa đại ngàn Trường Sơn.

Khi đêm đã khuya, trăng càng sáng, trống đã thủng thì từng đôi từng đôi lặng lẽ nắm tay nhau đi. Họ hẹn hò nhau, không kể thanh niên hay người đã có gia đình. Chốc lát lễ hội vắng thưa người để nhường chỗ cho những âm vị ngọt ngào của tình yêu. Từng đôi dập dìu nắm tay nhau đi xuống suối, đi vào rừng, tìm đến những hốc đá, gốc cây để tìm ở nhau những hương vị mới mẻ…bởi  trong đêm nay họ không bị ràng buộc. Đàn bà, đàn ông tự nguyện tìm đến nhau, không ghen tuông, không giới hạn quyện vào nhau để quên đi những nhọc nhằn của cuộc sống đời thường. Và khi  tiếng gà rừng gáy sáng đến lần thứ tư, họ mới chia tay nhau, hẹn mùa đập trống năm sau...

Rời Thượng Trạch, rời dòng Suối Cấm, rời lễ hội đập trống nhưng những ân tình và nét văn hóa của người Ma Coong khiến chúng tôi lưu luyến mãi.
 

Xuân Nha

.