Tiếp xúc hàng ngày với các bảng vi mạch điện tử, thợ sửa chữa đồ điện tử cho rằng phải thật yêu nghề mới gắn bó lâu dài với công việc này. Tất cả món hàng điện tử công nghệ cao mới ra “lò”, xuất hiện trên thị trường đều được chủ tiệm nắm bắt, sửa chữa thành công.
 
 
Nghề cũ nhưng không lỗi thời
 
Có thời gian, ông Đức còn nhận chạy hàng, bỏ mối đồ điện tử cho các tiệm điện ở TP.Biên Hòa. So với sửa chữa đồ điện tử thì công việc này nhàn nhã và cho thu nhập cao hơn. Nhưng cuối cùng, ông vẫn quay về với nghề cũ, sau khi nhận thấy nhu cầu sửa mặt hàng này có sự thay đổi đáng kể.
 
Đó là lúc trên thị trường, việc sửa đồ điện tử không dừng lại ở tivi, quạt máy, tủ lạnh, máy điều hòa…, mà xuất hiện thêm các loại lò vi sóng, lò nướng, máy hút khói, khử mùi… Nhu cầu ngày càng tăng, ông Đức quyết định thuê hẳn mặt bằng mở tiệm ngay cạnh con hẻm nhỏ 26 trên đường Lý Văn Sâm. Ở TP.Biên Hòa, khu vực này có nhiều tiệm sửa đồ điện nổi tiếng. Các tiệm mọc san sát nhau, mở cửa từ sáng sớm và lúc nào cũng đông khách lui tới.
 
“Để có thể sống được với nghề các chủ tiệm phải tìm hiểu, học hỏi nhằm nâng cao kiến thức, sửa được những món đồ được thiết kế ngày càng hiện đại. Có như vậy, mới níu chân khách hàng” - ông Đức tâm sự.
 
Đến nay, những ai còn “trụ” lại với công việc sửa chữa đồ điện tử đều là những thợ giỏi tay nghề. Tất cả các loại hàng điện tử công nghệ cao mới ra “lò”, xuất hiện trên thị trường đều được người thợ nắm bắt, sửa chữa thành công; nhờ vậy mà các tiệm sửa chữa cũng đã đông khách trở lại.
 
Cũng là một người thợ lành nghề, ông Nguyễn Quốc Tuấn (chủ tiệm sửa chữa đồ điện tử lâu năm trên đường Lý Văn Sâm) cho hay công việc này tuy cũ, nhưng không lỗi thời. Bởi, số lượng thiết bị điện tử gia dụng ngày càng tăng cao thì mức độ sử dụng nó càng lớn. Ngoài hành nghề, ông còn đứng ra chỉ dạy tận tình cho 5 “học trò” khác. Điều này cho thấy nhiều bạn trẻ ngày càng quan tâm đến công việc sửa chữa đồ điện tử.
 
Ông Tuấn chia sẻ đồ điện tử có rất nhiều mạch điện nhỏ, chi li, đòi hỏi người sửa cũng phải rất tỉ mỉ. Các thiết bị điện tử dần trở nên tích hợp thu nhỏ, thông minh, đòi hỏi các kỹ thuật viên, người thợ phải khéo léo và không ngừng học hỏi mới thành công, để khách hàng tin tưởng.
 
Đồ càng hiện đại càng khó chữa nên nhiều “bệnh” phức tạp, phải mất vài tiếng ông Tuấn mới sửa xong. Có những hôm gặp ca “bệnh” lạ, món hàng giá trị lên đến vài chục triệu đồng, ông Tuấn cũng căng thẳng không kém. Do đó, để tạo uy tín với khách hàng, ông không ngại vất vả, đến tận nhà sửa chữa theo yêu cầu của khách.
 
“Tôi vẫn hay răn dạy học trò, ví nghề này như bác sĩ chuyên “phẫu thuật” cho những ca bệnh khó. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ có khi còn mang tiếng phá hoại, nên khi làm nghề ngoài chuyện giỏi chuyên môn, phải thật tâm huyết với nó” - ông Tuấn tâm sự.
 
Theo Dương Ngọc (Báo Đồng Nai)
.