'Sóng' ở biển Tây
Cập nhật lúc 11:02, Thứ bảy, 15/06/2013 (GMT+7)
Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau (còn gọi là biển Tây) tàu bè tấp nập, nhà cửa san sát, dân cư đông đúc. Cuộc sống nơi đây luôn nhộn nhịp, nhưng ẩn chứa nhiều bất ổn… Biển Tây đang trở mình với những thay đổi tích cực về kinh tế, nhưng đi theo nó là những vết rạn vỡ mái ấm gia đình... (bạo hành, Cà Mau, lấy chồng nước ngoài)
Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau (còn gọi là biển Tây) tàu bè tấp nập, nhà cửa san sát, dân cư đông đúc. Cuộc sống nơi đây luôn nhộn nhịp, nhưng ẩn chứa nhiều bất ổn… Biển Tây đang trở mình với những thay đổi tích cực về kinh tế, nhưng đi theo nó là những vết rạn vỡ mái ấm gia đình...
Sự phát triển của cảng cá tôm ở vùng Sông Đốc khoảng 10 năm gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Cứ mỗi tháng hai lần nước ròng, hay gió biển thổi mạnh, tàu thuyền lại tấp vào trú ẩn. Nhiều phụ nữ từ xứ khác theo tàu ghe cặp bến, xí phần “vá lưới” trên thuyền của phụ nữ địa phương. Không biết họ có vá lưới thật không hay lên tàu làm việc gì, nhưng chị em từ nơi khác tới áo quần lượt là, xinh đẹp, cuốn hút các ông, dù tàu cặp bến một hai ngày vẫn không chịu về nhà! Bà Lê Thanh Bình - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Sông Đốc nói: “Chị em mình nhận vá lưới ở xưởng, tiền công chỉ vài chục đến trăm ngoài, nhưng phụ nữ nơi khác lên tàu thuyền, số tiền gọi là “vá lưới” họ khoe lên đến hai ba trăm ngàn… Do vậy, nhiều chị em cũng đua đòi ăn mặc, trang điểm, theo lên ghe “vá lưới”, làm sao gia đình không tan vỡ. Hai năm qua, đã có hơn chục nhà gả con gái lấy chồng nước ngoài hy vọng đổi đời nhờ con. Làn sóng này đang tăng dần ở thị trấn”.
Đáng lo hơn là cứ đua nhau kiếm tiền, dân biển Tây không mảy may quan tâm đến chuyện học hành. Trẻ con Sông Đốc, tới tuổi học, được chính quyền địa phương nỗ lực “lùa” tới trường, nhưng chỉ học đến lớp 3, lớp 4, con gái cầm cây kim vá lưới rành, con trai có thể chống sào, theo ghe ra biển là coi như trường học mất học trò. Vì tiếc khoản tiền công mà con cái có thể làm ra ngang bằng với mình trong một ngày vá lưới, lựa tôm hay đi biển, nhiều bà mẹ đã lơ chuyện học của con. Vì thế, cái giàu có, trù phú của Sông Đốc, nói như bà Thanh Bình, chỉ là bề nổi, là chưa có “căn cơ”, vẫn còn những xóm nhà lá rách nát, tạm bợ như khu kiểm lâm.
Sự nôn nóng đổi đời đã làm tan nát bao mái gia đình ở biển Tây. Theo số liệu của TAND huyện Trần Văn Thời, trong bốn năm qua, mỗi năm địa phương này tăng gần 100 vụ ly hôn, trong đó, 35% vụ việc thuộc về cư dân thị trấn Sông Đốc (trên tổng số 13 xã, thị trấn của huyện). Nhiều giá trị gia đình bị đảo lộn. Sự học hạn chế, nhận thức lệch lạc về sự bình đẳng... đã khiến nếp nhà ở biển Tây lung lay, đang là một thách thức với những người làm công tác xã hội, đoàn thể của địa phương.
Theo Nghi Anh
Phụ Nữ TPHCM
.