Họ không có bằng cấp, không điện thoại thông minh, máy tính xách tay, nhưng có cách sinh tồn giữa núi rừng với những kỹ năng vô tận. Đắm mình với cuộc sống của họ mới biết được đó là những cách sống thông minh hơn những gì người ta tưởng. Đó cũng là cách gián tiếp để hiểu được cuộc sống của cha con anh Lang qua 40 năm giữa rừng cao Quảng Ngãi.


Những người Rục nhớ hang

Người Rục ở bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ (thuộc xã Thượng Hoá, Minh Hoá, Quảng Bình) nay đã được cấp nhà mới thay vì ở hang đá, họ có thêm phương thức sản xuất mới nhờ bộ đội biên phòng dạy làm lúa nước, nhưng bản năng gốc của họ vẫn còn. Ấy là nhớ hang đá – nơi tổ tiên của họ từng mặc khố để săn bắn, hái lượm, trí khôn của họ nằm hết ở bếp lửa và các động tác thuần thục leo qua núi đá...

Hang đá – đó là nguồn gốc tổ tiên, là nơi họ sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Ngày nay, trong số những người còn trở lại với hang đá cho thoả nỗi thèm nhớ đó là vợ chồng ông bà Cao Chơn, 85 tuổi ở bản Ón. Mặc dù, hai vợ chồng già của tộc người Rục này được cấp nhà xây, hỗ trợ gạo hàng tháng, nhưng hang Tò Pộc, hang Ró, hang Ka Chắp và hàng chục mái đá khác vẫn là nơi để hai vợ chồng Cao Chơn làm chốn nghỉ ngơi khi trở lại rừng lúc nhớ nhung.

Trưởng bản Ón, Trần Xuân Tư nói: “Vợ chồng ông bà Cao Chơn gần như tháng nào cũng vô hang, mỗi lần cả chục ngày, có lúc đi một đợt mấy tháng”. Chúng tôi vào rừng, nhiều lần mong được diện kiến đôi vợ chồng “người hang”. Cao Liệu, người dẫn đường nói: “Có khi may thì gặp được, chứ họ ở nhiều hang, từ hang này qua hang kia cả ngày đường”. Nhưng may mắn cũng đã đến, khi bóng nắng bị lá rừng che khuất, trên ngọn núi đá vôi xuất hiện hai bóng người già. Họ tuy tuổi cao, nhưng vẫn tráng kiện, chân bước trên đá vôi sắc cạnh, nhưng vẫn vững chãi và thoăn thoắt. Cao Liệu nói: “Họ được xây nhà từ lâu nhưng hang đá họ ưng hơn”.

Qua lời dịch của Cao Liệu mới biết, hai ông bà chỉ có hai con dao nhỏ đeo ở lưng hông. Dưới mỗi mái đá hoặc hang đá trong lộ trình của họ đều có cái nồi nhỏ từ biđông bỏ đi, hoặc ănggô lượm từ rừng là sản phẩm của bộ đội ngày xưa hành quân. Trước khi bà nhóm lửa, ông Cao Chơn đi quanh hang đá quá chừng 200m, lần tìm những con ốc đá để nướng ăn, mỗi bữa như thế, họ chọn 20 con. Bà nướng ốc, ông đi đặt bẫy tại một khe nứt cạnh hang đá. Bẫy đập làm từ dây leo rừng, một cành cây. Sau bẫy, họ bỏ vài con ốc nướng làm mồi, sáng hôm sau thức dậy, ông bà Cao Chơn có một bữa ăn sáng rất tự nhiên là con chuột núi khá to. Và khi bữa ăn sáng đã xong, ông bà lại rời đi để đến hang đá mới khi ánh nắng cuối ngày lại tắt. Cao Liệu giải thích, nơi đến tiếp theo của ông bà là thức uống của rừng, rất tự nhiên. Đó là rượu đoác, thứ rượu không bao giờ nấu, nó làm từ cây đoác trên núi đá, ngọn của nó được vít xuống một hố đá vôi, ông bà sẽ chặt ngọn cho nước màu trắng đục chảy vào hố đá được chọn, chừng khoảng vài lít nước. Một loại vỏ cây có xúc tác như men được bỏ vào, chừng hai giờ đồng hồ, nước cây đoác dậy mùi thơm của rượu rừng. Họ lấy lá cây vấn lại làm cốc và múc uống, uống cho kỳ say rồi lăn ra ngủ trong sự bảo bọc của tán rừng. Và điều lạ, họ không bao giờ ngủ nằm, mà ngủ ngồi suốt đêm. Đấy là một trong những phương cách độc đáo của kỹ năng sinh tồn của tộc người Rục mà nhiều khi người miền xuôi cho đó là lạc hậu.

Dòng nước của người Mày

Xa trên dãy núi Giăng Màn (Dân Hoá, Minh Hoá, Quảng Bình) có tộc người Mày sống chân tình, hào hiệp. Họ tin rằng cuộc đời người Mày đàn ông là chiến binh từ xa xưa có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước đầu tiên của sông Gianh và chở che những tộc người anh em khác như người Khùa, người Mã Liềng theo đường phân thuỷ dưới núi. Hồ Khiên ở vùng bản Dộ trong hệ Giăng Màn nói với chúng tôi: “Tổ tiên người Mày sinh ra chọn vùng đất ở rất cao, cao như sát trời, quanh năm mây phủ. Nơi đầu nguồn của mọi nguồn nước”.

Nơi ở của người Mày là một quả đồi hùng vĩ giữa lòng chảo Giăng Màn, hai bên có suối Hoong Trì Pầu và Hoong Pà Ài, đó là ngọn nguồn đầu tiên của nước sông Gianh tuôn ra Biển Đông. Theo Hồ Khiên, hàng năm họ vẫn đi mở nguồn nước bằng các lễ cúng tinh thần, ở đó họ cầu mong không ai mông muội gây cho nguồn nước vẩn đục. Ở đó họ thề với nhau mãi trông coi nguồn nước luôn sạch để những tộc người anh em khác được thừa hưởng.

Khi các nhà dân tộc học vào với người Mày sưu tầm sinh hoạt văn hoá của họ đã hết sức ngạc nhiên với tiếng chày giã gạo thình thịch có một không hai của tộc người này. Nếu cối giã của người Vân Kiều dọc đường Trường Sơn nằm sát mặt đất có tiếng bùm bụp cô đơn thì cối giã của người Mày được các nhà dân tộc học xem là sự sáng tạo cao hơn nguyên thuỷ, xé toang sự u muội của núi rừng, họ tạo được kỹ năng âm thanh trong lao động nặng nhọc, hòa đều để xua tan đi khó khăn và cũng là bớt đi sự cô đơn giữa núi rừng hoang vắng.

Và chiếc cối giã ấy được khoét từ cây săng lẽ có đường kính hơn nửa mét, phần trên họ khoét để đổ ngô, lúa, hoặc mì vào giã, phần đáy cũng khoét lỗ như phần chính nhưng nông hơn. Sàn nhà nơi đặt cối giã được khoét một lỗ to như nắm đấm, nơi đó người đàn ông Mày lên núi đẵn cây chi cúp có tính đàn hồi, lấy cần đập mạnh tạo ra tiếng trầm bổng kỳ lạ. Phần cây chi cúp đó được chống đỡ phần đáy cối, từ sàn nhà xuống đất chừng 2m là thân chi cúp đỡ chiếc cối phía trên, ở phần chạm mặt đất của cây chi cúp, người Mày lấy miếng ván nhỏ chèn vào và bắt đầu giã lương thực mỗi ngày. Người phụ nữ Mày đảm trách việc giã gạo mỗi buổi sáng khi con nai chưa tác, cánh chim chưa vỗ, mặt trời chưa lên.

Những kỹ năng huyền bí

Sâu trong rừng nguyên sinh Phong Nha – Kẻ Bàng (Bố Trạch, Quảng Bình), có một tộc người ẩn cư ở đó, họ chỉ có 400 khẩu, trong một bản, gọi là bản A Rem của người A Rem. Nếu người Rục đã được giúp đỡ làm lúa rẫy, anh em Mã Liềng biết cầm cuốc sản xuất, người Khùa, Mày dần biết bắt tay lao động theo nghĩa hiện đại thì tộc người A Rem vẫn đang giấu mình trong thế giới săn bắt hái lượm và phủ mình trong những kỹ năng huyền bí của riêng họ.

Người A Rem hoặc người Rục và cộng đồng Mã Liềng có tục thổi thắt, thổi mở hoặc hấp hơi rất bí ẩn. Khi chưa có y tế đến nơi, việc sinh đẻ tuỳ thuộc vào niệm chú của thổi thắt, nó nôm na như cách của người hiện đại dùng khoa học cho sinh đẻ có kế hoạch. Vùng A Rem hiện có bà Y Thăm ngoài 80 tuổi là thầy thổi thắt nổi tiếng cả vùng. Bà được thuyết phục làm thử, và khiên cưỡng đồng ý, tiếng A Rem lầm rầm khấn, bài chú đọc lên, bát nước đưa vào, những vật liệu được cho là cây thuốc rừng khô khốc cắt vào pha vào bát nước cùng bột từ ống lồ ô mài ra, tiếng khấn của bà cùng tiếng lồ ô rên xiết trên hòn đá khiến toàn thân tôi sởn gai ốc. Bà khấn chừng mười phút, theo những gì bà kể qua người dịch lại, thì uống xong bát nước này, phụ nữ quan hệ với chồng thì không có con. Muốn có con, họ lại phải gặp bà để thực hiện nghi thức thổi mở.

Khi các phương pháp chữa bệnh hiện đại với thuốc tây chưa vào với tộc người A Rem thì họ có những kỹ năng chữa bệnh kỳ lạ. Người gãy chân chỉ cần được thổi sẽ lành xương, người đau ốm liên miên được cho uống rễ thuốc từ cây rừng sẽ khỏi bệnh, họ còn có những phương pháp cai rượu, cai thuốc kỳ lạ mà cho đến nay khoa học khó lý giải. Để tránh thú dữ, họ niệm chú, vẽ một vòng tròn, nướng một loại vỏ cây rừng lên, đập ra rải xung quanh, hổ hoặc báo, gấu không thể vượt qua. Trước khi đi săn, người A Rem lấy nọc độc từ một loài ếch cây, dùng kim của loài cây như chanh rừng châm nọc độc từ da ếch và nhỏ vào mắt, họ lên cơn buồn nôn vì nọc độc xâm nhập, nhưng sau đó cơ thể trở lại bình thường sau 15 phút ngấm thuốc, đôi mắt của họ trở nên tinh anh lạ kỳ và những cuộc săn như thế đều đưa lại kết quả ngoài sức mong đợi.

Những người anh em của chúng ta ở cách xa ánh điện văn minh, xa tít tắp những thành phố hoa lệ, nơi họ sống với bao khắc nghiệt của tự nhiên nhưng vốn sống và kỹ năng của họ gần như là vô tận.
 

Theo Quốc Nam
Sài Gòn Tiếp Thị

.