(BVPL) - Theo số liệu thống kê của Chi cục Thú y Hải Phòng, trên địa bàn thành phố này có gần 1300 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, trái phép, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú ý, tiềm ẩn nhiều hiểm hoạ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này gần như buông lỏng. Tại các quận, huyện, chủ các lò mổ cứ mạnh “quan hệ” là chẳng ai kiểm tra, xử phạt...
 
Lò mổ 3 không tại Trung tâm quận Kiến An
 
3 giờ sáng ngày 15/10/2014 nhóm PV chúng tôi có mặt tại khu giết mổ lợn ngay trong nền chợ Bến Phà, quận Kiến An, Hải Phòng. Mới 3 giờ mà khu chợ đã ồn ã người ra, người vào lấy hàng rau, củ, quả, lòng lợn, tiết canh, thịt lợn... về để kịp phục vụ các thực khách món ăn sáng khoái khẩu. 
 
Tại khoảng sân giáp khu nhà vệ sinh của chợ Bến Phà, 5 tay đồ tể lực lưỡng lùa lợn từ trong khu chuồng tạm cạnh đó ra chọc tiết nhoay nhoáy. Tiếng lợn kêu ing tai, những dòng tiết đỏ ngày ậc ra, một xô nước sôi đùng đục dội oà, sau hồi cạo lông xoàn xoạt, hàng đống lòng, mề lợn bầy tràn lan một góc chợ. Mùi tiết, mùi lòng mề lợn tanh lòm, cùng với mùi phân chuồng từ khu giết mổ xộc lên làm tôi thấy rùng mình. 
 
 Những dụng cụ ghét gúa đựng các sản phẩm gia súc tại lò mổ của bà Hậu
Những dụng cụ ghét gúa đựng các sản phẩm gia súc tại lò mổ của bà Hậu
 
Tiến lại gần hơn ba bốn con lợn bị phanh thây, nằm ngồn ngộn trên nền xi măng người cầm tay, người cầm chân ra sức chặt xẻo từng tảng thịt. 
 
Không găng tay, chân đất, không đồ bảo hộ, những đồ tể tầm 25 - 26 tuổi này lôi những con lợn nặng cả mấy chục cân trên mặt đất, thỉnh thoảng  dội ào ào xô nước, nước lênh láng chảy xuống một hố ga ngay gần đó. Mỗi loạt chỉ 25 phút, tốp đổ tể này sẽ phanh thây xong khoảng 10 con lợn.
 
Một góc khác khu giết mổ này, mấy chị sồn sồn ngồi trên chiếc ghế gỗ, xung quanh là những thùng, chậu ghét gúa đen nhèm đựng đầy nội tạng của lợn. Trong chậu máu lợn hòa cũng nước, cùng nội tạng lõng chõng người tuốt người rửa cũng bằng tay trần không đồ bảo hộ. Những tảng thịt sau khi được lọc khỏi xương, mấy được bê ra vất trên  phản gỗ, cách khu giết mổ chỉ mấy bước chân. Các thương buôn chờ sẵn, xúm xít loa vào chọn những cỗ lòng, mề, thủ cấp... theo nhu cầu của mình. Thương lái chất những tảng thịt vào bao dứa to đeo hai bên hông xe, có người lấy nhiều thì chằng cả một con lợn vừa phanh thây đặt nằm ưỡn trên yên xe máy, cứ thể chở đi tiêu thụ.  
 
Từ 3 giờ đến 6 giờ sáng, gần 60 con lợn được phanh thây, gần  30 tấn thịt lợn và phụ phẩm lợn được tiêu thụ theo mối quen toả đi các quận, huyện.... nhưng chúng tôi không thấy một cán bộ thú y, quản lý thị trường nào đến kiểm tra, lăn dấu thú y.
 
6 giờ 30’ sáng, các đồ tể xả nước rửa nền chợ. Hàng đống phân, rác thải, nước thải đen ngòm từ khu giết mổ này được tống thẳng xuống sông lạch tray phía sau.
 
Lợn nhập về giết không rõ xuất xứ ngồn gốc; cơ sở giết mổ không đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh thú y; các sản phẩm thịt lợn, phụ phẩm lợn không được quản lý, kiểm dịch - Cơ sở giết mổ 3 không này đã tồn tại ngay trong khu chợ đầu mối tấp lập của quận Kiến An này đã gần chục năm nay trước sự thờ ơ của chính quyền địa phương.
 
Một chú lợn được phanh thây ngay trên lôi đi ra nhà vệ sinh của chợ Bến Phà.
Một chú lợn được phanh thây ngay trên lôi đi ra nhà vệ sinh của chợ Bến Phà.
 
Ông H. một gia chủ sống gần chợ Bến Phà cho biết: Đây là cơ sở giết mổ rất hôi thối, mất vệ sinh của hộ bà Phạm Thị Hậu, trú tại tổ 5, phường Bắc Sơn, quận Kiến An. Ngày nào cũng có ba - bốn xe chở lợn về đây. Chuồng lợn bốc mùi hôi thối, nhất là những khi mưa dầm gió bắc, hay khi trời  nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên khiến ai cũng thấy sợ! Không khí trong chợ luôn ngột ngạt mùi phân chuồng. Chúng tôi kiến nghị lên quận nhiều lắm, nhưng họ chỉ kiểm tra qua loa vài hôm đâu lại vào đấy. Thuê mặt bằng lo giết mổ là dãy chợ gần khu vệ sinh của chợ rất rẻ, không phải đầu tư trang thiết bị chuyên dụng cho khu lò mổ tập trung, không phải mất phí thu gom rác thải, xử lý môi trường, lợn ốm, lợn chết đều đưa vào dây giết mổ được hết... vì vậy chủ cơ sở thu lợi nhuận cao. Nghe nói do có một số cán bộ “bao sân” lên hộ bà Hậu đã còn “chạy” được cả giấy Cơ sở đảm bảo vệ sinh môi trường và bà Vũ Thị Thuý Hằng – Phó trưởng phòng Tài chính kế hoạch quận Kiến An còn ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cơ sở giết mổ gia súc cho bà Hậu đến tháng 2/2015. Đây cũng là “cái bùa” để bà Hậu trình ra mỗi khi có đoàn nào đến kiểm tra.
 
Thành phố cứ mạnh tay, quận, huyện còn nghe ngóng!
 
Để hạn chế, từng bước chấm dứt tình trạng giết mổ gia súc gia cầm (GSGC) nhỏ lẻ trái phép, mất vệ sinh, ngày 20/5/2014, UBND TP Hải Phòng đã ban hành chỉ thị 09/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý giết mổ, kinh doanh thịt, sản phẩm GSGC.
 
Hưởng ứng chỉ thị này, quận Lê Chân, Hải Phòng đã mạnh dạn đi đầu trong việc động viên, khuyến khích thu gom các điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ trong khu dân cư vào khu giết mổ tập trung tại Công ty cổ phần thực phẩm Hải Phòng. Đây là cơ sở giết mổ gia súc tập trung được Công ty CP thực phẩm Hải Phòng đầu tư hiện đại, đảm bảo nhu cầu giết mổ gia súc cho các quận nội thành Hải Phòng. Giai đoạn đầu, Công ty CP thực phẩm Hải Phòng đưa vào hoạt động khu giết một với công suất 500 con/ngày. 
Sau 3 tháng đi vào hoạt động, với cơ sở vật chất được đầu tư bài bản, cơ chế kinh doanh năng động, 100% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn quận Lê Chân đã đồng ý đưa gia súc về đây giết mổ tập trung. Toàn bộ quy trình giết mổ đều được tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật do Chi cục thú y hướng dẫn. Công tác thú y, VSATTP luôn được kiểm soát gắt gao, đảm bảo tuyệt đối an toàn từ khâu đầu vào cho đến khi cung cấp sản phẩm thịt sạch, đảm bảo vệ sinh ra thị trường.
 
Theo Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 20/5/2014 của Hải Phòng, thì các ngành, các cấp và các địa phương phải cùng vào cuộc quyết liệt, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ để đưa vào các cơ sở giết mổ tập trung đủ điều kiện về VSATTP; tăng cường khâu kiểm tra vệ sinh thú y, kiên quyết xử lý các hộ kinh doanh thịt, sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... 
 
Nhưng, trên thực tế việc thực hiện chỉ thị này mới quyết liệt tại một số ngành, quận khu vực trung tâm. Tại một số huyện như Thuỷ Nguyên, Kiến Thuỵ, Tiên Lãng, đặc biệt là quận Kiến An việc hưởng ứng chỉ thị số 09/CT của UBND thành phố Hải Phòng vẫn triển khai theo kiểu nghe ngóng tình hình!
 
Sau 5 tháng triển khai chỉ thị 09/CT-UBND, quận Kiến An chưa thể đình chỉ hoạt động xong cơ sở giết mổ mất vệ sinh của bà Phạm Thị Hậu tại chợ Bến Phà do vướng mấy giấy phép “con” của một số cán bộ quận đã lỡ “ưu ái” cấp ra, nên phải “vận động” hộ bà Hậu tự nguyện lộp lại “giấy phép con” rồi mới dám báo cáo thành phố.
 
Tại các khu chợ ven đô, chợ huyện đặc biệt là chợ quê, lượng thịt gia súc bầy bán chưa có dấu kiểm soát giết mổ, tem kiểm tra vệ sinh thú y vẫn bầy nhan nhản. 
 
Bà Nguyễn Thị Thuỷ, một hộ kinh doanh giết mổ ở quận Lê Chân bức xúc: “Chúng tôi chấp hành tốt chỉ thị 09/CT-UBND vào cơ sở giết mổ tập trung thì bị thiệt thòi, tăng chi phí kiểm soát thú y, VSATTP. Trong khi còn rất nhiều cơ sở giết mổ tại các quận, huyện vẫn hoạt động “chui” bình thường, giá thành sản phẩm của họ sẽ cạnh tranh hơn chúng tôi. Nếu thành phố chỉ làm theo kiểu “đánh trống, bỏ dùi”, các hộ giết mổ “chui” vẫn tồn tại, thì chúng tôi cũng phải được ra ngoài giết mổ như trước đây...”.
 
Đây thực sự là lực cản lớn thách thức các cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng, các quận, huyện trong công tác bảo vệ quyền lợi, sức khoẻ người tiêu dùng, cải thiện bộ mặt đô thị Hải Phòng xanh, sạch, đẹp.
 
Phương Linh - Quang Chiến
.