Nhiều năm nay, người dân ở 2 bên bờ sông Thạch Hãn thuộc thôn Trà Liên Tây và Trà Liên Đông, xã Triệu Giang, H. Triệu Phong (Quảng Trị) ăn ngủ không yên vì nạn “sa tặc”. 
 
Bờ sông ngày một sạt lở nặng, Nhà nước tốn tiền tỷ để đầu tư làm kè bảo vệ, người dân cầu cứu lên xã, huyện nhưng không mang lại kết quả. Khu vực sông Thạch Hãn gần bến đò ngang cũ thuộc thôn Trà Liên Đông là một trong những điểm khai thác cát trộm nóng nhất. Đêm đêm, đối tượng đưa hàng chục phương tiện, cả sà lan công suất lớn, dùng vòi dí xuống đáy sông để hút cát. Tiếng máy nổ gào thét inh ỏi vang xa đến vài cây số khiến bà con ngủ không yên. Sáng hôm sau, từng đoàn xe ben nhanh chóng đến chở đi bán tại các công trình xây dựng trong tỉnh.
 
Một điểm tập kết, bán cát trái phép của ông Bùi Duy Lê, ở bờ sông Thạch Hãn, xóm Trà Liên Đông.
Một điểm tập kết, bán cát trái phép của ông Bùi Duy Lê, ở bờ sông Thạch Hãn, xóm Trà Liên Đông.
 
Dọc bờ sông Thạch Hãn hiện có 20km bị xói lở nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của hơn 1.500 hộ dân. Sau mỗi mùa mưa lũ, bờ sông bị sạt lở nặng thêm, chỉ tính 5 năm trở lại đây, riêng H. Triệu Phong có hơn 40 ha đất ở và sản xuất ven sông bị cuốn trôi. Điều đáng nói là trong khi nhà nước tốn hàng trăm tỷ đồng để làm kè  chống sạt lở, bảo vệ bờ sông thì hàng ngày dưới lòng sông, nạn “cát tặc” vẫn ngang nhiên diễn ra. Người dân nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền, phản ánh trước các kỳ họp hội đồng nhân dân, ở các buổi tiếp xúc cử tri.
 
Chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng có phối hợp ra quân đẩy đuổi truy quét nhưng đâu lại vào đấy. Người dân trong làng ai cũng biết điểm tập kết cát ở gần bến đò cũ bên bờ sông Thạch Hãn là của ông Bùi Duy Lê, xóm Trà Liên Đông, xã Triệu Giang, là đầu nậu đứng ra thuê các đò và sà lan của  dân trong vùng khai thác cát trên sông Thạch Hãn. Vì sợ bị trả thù nên bà con không ai dám ra mặt phản đối nhưng ai cũng ấm ức. Làm việc với phóng viên, ông Lê thừa nhận việc khai thác cát trái phép của mình. Tuy nhiên, ông cho rằng chỉ làm quy mô nhỏ, ở những nơi không gây ra sạt lở”? Hỏi, không gây hậu quả xấu, sao bà con phản ứng gay gắt sự việc suốt nhiều năm qua? Hỏi, chính quyền, ngành chức năng có biết việc ông tổ chức khai thác cát trái phép trên sông và có bị xử lý không thì ông Lê không trả lời thẳng vào câu hỏi, mà chỉ bảo: “Thì ai cũng vì cuộc sống”(!).
 
Một ngôi nhà ở thôn Trà Liên Đông sắp rơi xuống sông do bờ sông bị sạt lở.
Một ngôi nhà ở thôn Trà Liên Đông sắp rơi xuống sông do bờ sông bị sạt lở.
 
Một cán bộ của UBND xã Triệu Giang thừa nhận hoạt động khai thác cát trái phép là có và cho rằng ông Lê chỉ là người đứng ra thầu bãi để tập kết số cát khai thác? Hỏi về công tác truy quét, đẩy đuổi “sa tặc” trên sông Thạch Hãn riêng khu vực xóm Tả Bồi, vị cán bộ này cung cấp một kết quả khá… khiêm tốn: Từ trước đến nay chỉ bắt được 1 tàu nhỏ khoảng 5 đến 6 khối cát, xử phạt hành chính 3 triệu đồng(!). Về nguyên nhân không xử lý được nạn “cát tặc” trên sông, đặc biệt khu vực xóm Tả Bồi mà người dân đã nhiều năm kiến nghị, cầu cứu, vị cán bộ này trả lời: “Do không có phương tiện, lực lượng lại mỏng, mỗi lần tổ chức truy quét đều bị rò rỉ thông tin”(!?).
 
Tàu hút cát trên sông Thạch Hãn, đoạn qua xóm Tả Bồi, thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, nhổ neo bỏ chạy khi phát hiện ống kính ghi hình.
Tàu hút cát trên sông Thạch Hãn, đoạn qua xóm Tả Bồi, thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, nhổ neo bỏ chạy khi phát hiện ống kính ghi hình.
 
Mới đây, Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng CAH Triệu Phong cho biết sẽ chỉ đạo lực lượng, huy động phương tiện quyết xóa bỏ điểm khai thác cát trái phép ở Triệu Giang. Tuy nhiên, Đại tá Nguyễn Ngọc Minh cho rằng, “việc triệt xóa nạn “sa tặc” trên sông, không phải trách nhiệm của riêng lực lượng công an, mà đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, đồng lòng đồng sức giữa các cấp chính quyền, ngành chức năng liên quan,  có như vậy mới mang lại kết quả tốt”.
 
Đề nghị chính quyền ngành chức nằng tỉnh Quảng Trị xử lý dứt điểm tình trạng này đem lại sự bình yên và niềm tin cho người dân nơi đây.
 
Theo Báo Công An Thành Phố Đà Nẵng
.