(BVPL) - Những ngày qua, thông tin về tình hình buôn bán, vận chuyển pháo nổ có xuất xứ từ Trung Quốc qua biên giới được các phương tiện thông tin đại chúng chuyển tải với tần suất ngày càng nhiều. Nhận định tình hình hoạt động của các đối tượng chuyên “đánh” mặt hàng nhạy cảm này trong thời điểm cuối năm nay là rất phức tạp, các cơ quan chức năng trên tuyến biên giới đã xem đây là một “cuộc chiến” mà muốn “đánh thắng”, cần quyết tâm cao và có biện pháp quyết liệt.

 


Bắt đầu “nóng”

Từ đầu tháng 11-2015 trở lại đây, tại địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc, hoạt động của bọn buôn lậu pháo nổ có xuất xứ từ Trung Quốc bắt đầu có diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi như giấu “hàng” vào hành lý cá nhân và các thùng chứa hàng tiêu dùng nhằm “lọt qua” sự giám sát, kiểm tra của các lực lượng chức năng. Tại Quảng Ninh, ngày 26-11, tại phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, xe ô tô khách mang biển kiểm soát 16L- 3766 do Phạm Văn Quang, sinh năm 1977, trú tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng điều khiển đã bị lực lượng Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện có “cõng” theo 13 kg pháo do Trung Quốc sản xuất để lẫn với khoai sọ trong một thùng cát tông. Làm việc với cơ quan chức năng, Quang khai đã cùng với phụ xe là Nguyễn Văn Đạo, sinh năm 1987, trú tại huyện Hải Hà, Quảng Ninh nhận “hợp đồng” chở thuê cho một đối tượng không rõ tên và địa chỉ để lấy tiền công. Cũng bằng thủ đoạn “cõng” pháo lậu thuê cho người không rõ danh tính, trước đó hai tuần, Phạm Viết Thuận (sinh năm 1982, trú tại Yên Thế, Bắc Giang), là tài xế xe khách mang biển kiểm soát 98H - 4328 chở theo 3 thùng hàng, bên trong chứa 50 kg pháo lậu theo hướng từ Lạng Sơn về Hà Nội. Đến địa phận thành phố Bắc Giang, Thuận đã bị Công an tỉnh Bắc Giang bắt quả tang.

Đây chỉ là hai vụ vận chuyển pháo lậu với thủ đoạn “chở thuê cho người khác” bị phát hiện và lượng tang vật còn khá khiêm tốn. Trong vòng hai tháng trở lại đây, tần suất các vụ pháo nổ các loại từ Trung Quốc thẩm thấu vào Việt Nam qua các tỉnh biên giới phía Bắc được các ban ngành chức năng địa phương nhận định là rất “nóng” và chống pháo lậu được xem như một “cuộc chiến” đầy khó khăn. Cũng dễ hiểu vì chênh lệch giá pháo ở hai bên biên giới rất cao, trở thành “liều thuốc kích thích” những kẻ mơ kiếm tiền từ mặt hàng nguy hiểm này. Theo các đối tượng bị bắt, nếu một chuyến “đi hàng” trót lọt dăm, bảy kg pháo lậu, có thể dễ dàng bỏ túi gần triệu bạc. Thế nên mới có chuyện cậu học sinh Phạm Văn Long (15 tuổi) trú tại phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, khi bị đối tượng xấu rủ rê đi buôn pháo qua biên giới đã lập tức đồng ý. Lóa mắt trước món tiền công 800 nghìn đồng, chiều 7-12, Long vào khu vực biên giới thuộc xã biên giới Bản Phiệt “mang giúp” đối tượng kia một bao dứa, bên trong có chứa 7,5kg pháo ra Quốc lộ 70 thì bị công an phát hiện, bắt giữ…

Cần quyết tâm cao và biện pháp quyết liệt

Trước những nguy cơ căng thẳng của hoạt động buôn lậu pháo nổ qua biên giới trong thời gian gần Tết Nguyên đán Bính Thìn - 2016, UBND các tỉnh biên giới đã yêu cầu các địa phương cùng các ban ngành chức năng áp dụng triệt để các biện pháp có thể để ngăn chặn ngay từ “cửa ngõ” quốc gia. Các lực lượng chống buôn lậu, theo chức năng, nhiệm vụ địa bàn được giao quản lý, được yêu cầu phải nắm vững tình hình, tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai các biện pháp, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, vận chuyển pháo nổ biên giới. Tại các khu vực biên giới trọng điểm, lực lượng Hải quan, Công an, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng đã tăng cường các hoạt động kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển và kinh doanh pháo nổ, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn “nạn dịch” pháo lậu có thể bùng phát.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của địa phương, bằng tinh thần chủ động, cảnh giác, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vận chuyển, buôn bán pháo lậu lớn. Điển hình là vụ Đồn Biên phòng Thanh Lòa (Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn) tổ chức lực lượng bắt giữ 2 đối tượng gồm: Hoàng Văn Đức (sinh năm 1993), Vi Văn Bình (sinh năm 1979), cùng trú tại huyện Văn Quan, Lạng Sơn đang vận chuyển gần 1 tạ pháo nổ qua khu vực xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc (ngày 8-12); vụ Công an huyện Diễn Châu (Nghệ An) phát hiện đối tượng Cao Xuân Hải (sinh năm 1976), Hoàng Văn Minh (sinh năm 1997), Phạm Văn Đức (sinh năm 1997), cùng trú tại huyện Diễn Châu tổ chức vận chuyển, tiêu thụ 70 kg pháo các loại. Hay như vụ Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) phối hợp lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình bắt quả tang đối tượng Ngô Văn Cường (sinh năm 1967), quê ở Bố Trạch, Quảng Bình đang có hành vi vận chuyển 33,6kg pháo nổ có xuất xứ từ Trung Quốc (ngày 13-12)…

Thông qua những vụ việc nêu trên cho thấy, quyết tâm cùng những biện pháp quyết liệt của các địa phương và lực lượng chức năng nhằm “chặt đứt” dòng chảy pháo lậu qua biên giới. Hy vọng rằng, với những nỗ lực này, trong bối cảnh việc phát hiện và xử lý các vụ buôn bán, vận chuyển pháo lậu còn rất khó khăn, đặc biệt là hành lang pháp lý chưa đủ mạnh dẫn tới việc nhiều đối tượng vẫn “né” được trách nhiệm hình sự khi bị bắt, những cung đường buôn bán, vận chuyển pháo lậu sẽ được “bịt” chặt, góp phần để nhân dân được đón Tết an toàn.
 

Hưng Bình

.