Có tiếng tăm, đông khách, thu lời cao nhưng một số quán bình dân ở Hà Nội trở nên “chảnh” khi khách hàng gọi ít đồ.

 


Thu Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bức xúc với “văn hóa bán hàng” của một số quán. Phương kể, có lần đi ăn chè trên phố cổ, quán đông khách nên cả 3 người phải ngồi nép vào góc tường. Khi thấy 3 người gọi có 2 cốc chè, chủ quán vừa niềm nở bỗng tỏ thái độ: “Sao đi 3 người mà gọi có 2 đồ vậy?”. Phương cười trừ bảo vừa ăn cơm xong, qua đây ngồi chơi với bạn thì cô này quắc mắt: “Lần sau ăn cơm rồi thì đi ăn chè làm gì, chỗ phải mua cả chứ có để ngồi chơi không!”.

Đen đủi hơn khi ra về thì vừa lúc công an cho xe về đồn với lý do lấn chiếm vỉa hè – để xe sai quy định. Quay vào thương lượng với chủ quán thì họ từ chối nhận trách nhiệm, cả 3 phải đi bộ lên đồn công an chuộc xe về. “Ăn được cốc chè không ngon nghẻ gì, chẳng những tiền mất lại còn tật mang”, Phương gay gắt. Cũng từ lần ấy, Phương rút kinh nghiệm chỉ đi ăn ở những quán quen chứ không “lần mò” đến những quán tiếng tăm, chỗ ngồi thì chật mà thái độ phục vụ không tốt.

Tuy nhiên, với phương diện là người bán hàng, cô T. chủ một quán nem rán ở Hoàn Kiếm chia sẻ: “Diện tích quán nhỏ, chỗ để xe hạn chế trong khi khách đến gọi được vài đồ, ngồi lâu mãi không về thì chỉ có lỗ”. Cô cho biết, tiền thuê mặt bằng đắt đỏ, phải tận dụng từng phút để bán hàng, trong khi nhiều khách đến “ăn hương, ăn hoa” còn chủ yếu để tán chuyện thì phải đuổi khéo. “Hơn nữa, nem rán rất tốn dầu, lại không để được lâu nên khách gọi số lượng ít, rán vừa mất công lại chẳng có lời”, cô T nói.

Cũng bức xúc về nỗi khổ của những người kinh doanh quán ăn, chị Hoa – chủ quán ốc ở Hồ Tùng Mậu cho biết, “Khách hàng là thượng đế nhưng nhiều khi họ gọi đồ thô lỗ hay có người ngồi cả buổi tối chỉ ăn 1 bát ốc. Trong khi nhiều khách hàng đến phải quay về vì không có chỗ ngồi. “Tuy nhiên, khách hàng mỗi người một tính, mình phải lựa lời 'đuổi' khéo, chứ to tiếng thì mất khách như chơi”, chị Hoa nói.
 

Theo Zing

.