Quanh bến xe Miền Tây (Q.Bình Tân), ngã tư An Sương (Q.12) ở TPHCM… nhiều năm qua tồn tại một lực lượng “cò” lao động, trung tâm giới thiệu việc làm mặc sức tung hoành, chực chờ “mổ” những “con mồi” ngơ ngáo, chân ướt chân ráo từ quê lên thành phố kiếm việc.

 


PV Báo Lao Động vào vai một người từ miền Trung lần đầu tiên vào Sài Gòn kiếm việc và được giới thiệu qua nhiều công việc từ “kín đáo” đến “tươi mát”. Tất nhiên đồng tiền kiếm được từ những công việc được giới thiệu không phải lúc nào cũng lương thiện, đàng hoàng!


Kỳ 1 - Rót mật vào tai

Vừa bước xuống xe buýt, tôi đã bị gần chục xe ôm quay quanh, chèo kéo. Một người chạy xe ôm tên Hùng, trên áo có ghi thuộc tổ xe ôm tự quản cổng số 4, bến xe Miền Tây, một tay đỡ lấy balô, một tay đẩy tôi đi tới một góc bến xe. “Đi đâu vậy em? Cần tìm việc hả? Anh chỉ giúp cho, anh không lấy tiền xe ôm đâu. Bao ăn, bao ở, việc nhẹ, lương cao, lễ tết được lì xì tiền triệu…”.

Bủa vây người lao động

“Đó, thấy em ở quê lên, các anh giúp không công, làm phước để em có việc làm chứ không lấy tiền đâu” - một xe ôm khác nói. Thấy tôi có vẻ còn ngần ngại, xe ôm tên Hùng chỉ lên ngực áo của mình rồi nói: “Em lo gì chứ, tụi anh có tên tuổi, nơi làm việc đây, chỉ dẫn đàng hoàng, chứ có phải xe ôm chạy ngoài đường không tên, không tuổi đâu mà em lo”.  Tôi ấp úng: “Con không mang theo hồ sơ xin việc, giấy tờ tuỳ thân chỉ mỗi giấy chứng minh nhân dân (CMND) vậy xin việc có được không?”. Thấy tình hình biến chuyển, tôi có vẻ xuôi xuôi, xe ôm Hùng nhanh như chớp: “Được chứ. Ở đây việc làm thì tốt nhưng thủ tục xin việc thì cực kỳ dễ, chỉ cần CMND gốc là được. Không như mấy chỗ khác phải khám sức khoẻ, hồ sơ xin việc rắc rối. Mà em mới vào, ở thành phố này đi công chứng hồ sơ xin việc không phải dễ đâu, khám sức khoẻ cũng đã mất mấy trăm ngàn rồi. Tướng tá thì nhìn cũng được, tháo khẩu trang ra anh xem mặt mũi đi, bao nhiêu tuổi rồi?”. Thấy tôi tỏ thái độ cương quyết, cánh xe ôm tản đi.

Sáng hôm sau, tôi tiếp tục tay xách nách mang tới các trung tâm giới thiệu việc làm đối diện bến xe Miền Tây để xin việc. Bao quanh bến xe là hơn chục trung tâm, văn phòng, chi nhánh giới thiệu, môi giới việc làm với những lời quảng cáo “có cánh” như “Hoàn toàn miễn phí”, “Hỗ trợ chi phí cho người lao động đến xin việc”, “Bạn ở đâu, gọi điện thoại có người đưa rước”... Tôi bấm máy gọi cho số điện thoại 0909...885 được in trên một tấm danh thiếp của Cty TNHH Hương Sông Quê và giới thiệu mình ở quê lên tìm việc, nhân viên công ty hướng dẫn vào văn phòng đại diện công ty tại địa chỉ 404 Kinh Dương Vương, P.An Lạc (Q.Bình Tân), đối diện bến xe ngồi đợi, sẽ có người hướng dẫn.

Vào cùng lúc với tôi là một thanh niên gầy gầy tên Tú, quê Trà Vinh. Chúng tôi trình giấy CMND cho nhân viên xem, được thông báo là ngồi đợi, sẽ có người đến rước tới trụ sở chính, tại đó nhân viên sẽ tư vấn cụ thể. “Ở quê anh làm gì?” - tôi hỏi Tú. “Mần ruộng mướn. Học hết lớp 4 rồi nghỉ nên giờ không biết làm gì hết, cuối năm không ai mướn nữa nên lên đây mần kiếm tiền tiêu tết. Hôm trước có người về quê tui phát mấy cái miếng giấy (danh thiếp của Cty - PV) này, hứa hẹn không cần trình độ, không cần bằng cấp, vẫn có việc làm, lương cao, người ta bao ăn ở nên tôi đánh liều lên đây. Vừa xuống bến xe, tui gọi điện thì người ta chỉ vào đây” - Tú nói và đưa tấm danh thiếp cho tôi xem. Người thanh niên sinh năm 1984 này hớn hở, ánh mắt đầy hy vọng.     

Việc nhẹ, lương cao, bao ăn ở

Để chiêu dụ “con mồi”, những trung tâm, đội ngũ “cò” việc làm đưa ra những lời hứa hão, những cơ hội mở ra với lương cao, việc nhẹ, hoặc không cần trình độ, nghề nào cũng có, khả năng tới đâu cũng có nghề nghiệp để lựa chọn... như rót mật vào tai những người đi tìm việc. “Mỗi việc cần có một vài yêu cầu nhỏ như phục vụ quán nhậu, karaoke là phải biết uống bia, biết hát, biết chiều khách, nhẹ nhàng nhỏ nhẹ một chút là có tiền” - xe ôm Hùng bắt đầu giới thiệu công việc.

Theo lời gã, làm ở quán càphê thì cực mà lương cũng thấp vì ít ai “boa”, mỗi tháng chỉ được chừng 3 triệu bạc, nhưng nếu ưng thì sẽ có những quán càphê “chân dài”, tiếp viên phục vụ mặc váy ngắn chút xíu ngồi uống, trò chuyện với khách thì lương cao hơn. Làm ở quán nhậu, ngoài lương cứng 2,2 triệu/tháng còn có tiền “boa”, mỗi ngày cũng được ít nhất 100.000 đồng, làm từ 9h sáng đến 23h đêm hoặc khi nào hết khách thì nghỉ, lương ít nhất cũng được 5 triệu/tháng; làm ở karaoke là phải biết nhậu, biết hát, ăn mặc mát mẻ, chịu khó chìu khách, khách “boa”. Khách có mời đi “ăn ngoài” thì có thêm nhưng đi hay không là tuỳ mình.

“Mấy em làm quen, có nghề, có ngón mỗi tháng cũng được chục triệu bạc. Dịp tết các sếp đi nhậu, đi hát “boa” đậm lắm. Nếu em làm đợt này thì tiền bạc rủng rỉnh. Trong tất cả các công việc anh vừa nói, em đều được bao ăn ở, hồ sơ xin việc cũng chẳng cần, chỉ cần em giao CMND gốc của em cho chủ là được” - vẫn lời xe ôm Hùng.

Tại trung tâm giới thiệu việc làm Hương Sông Quê, đầu việc có vẻ phong phú hơn, tuy nhiên ở đây những công việc nhẹ, lương cao như phục vụ quán càphê, karaoke không còn phù hợp cho tuổi 25 tuổi của tôi. Theo lời của ông Linh - nhân viên của Hương Sông Quê - thì 25 tuổi là quá già để đi làm ở quán càphê, bởi ở đó người ta cần những cô bé 16 - 17 tuổi, phải là người miền Tây, giúp việc nhà thì phải từ 35 tuổi trở lên, bởi: “25 tuổi vào để cướp chồng người ta à” - một cô nhân viên nói thẳng. Tôi xin đi làm quán nhậu, nhân viên công ty gọi điện đến mấy nơi rồi thở dài: “Ở đó, người ta cần người miền Tây, người miền Trung người ta không nhận, giọng vừa khó nghe, vừa cứng, không biết dẹo dẹo cho khách “boa”, lương thấp lại quay ra chê chỗ làm. 25 tuổi thì rửa chén, bưng bê quán phở, hủ tiếu, làm công nhân ở nhà máy, xưởng sản xuất được thôi...”.

Theo tìm hiểu, các công việc được tuyển đều bao ăn ở, khi đến xin việc dù là qua đội ngũ xe ôm hay trung tâm, người xin việc đều phải giao nộp CMND gốc, đặc biệt là mang tiếng miễn phí, chỉ nhận phí từ phía người tuyển dụng nhưng thực ra các trung tâm, đội “cò” đều ăn 2 đầu. Ví dụ, nếu người lao động chấp nhận công việc, đội xe ôm sẽ nhận từ những người tuyển dụng ít nhất 500.000 đồng đến tiền triệu, tuỳ vào “chất lượng con mồi”. Khi vừa vào trung tâm, người lao động sẽ nộp CMND, phải ký một “thoả thuận nhận việc làm” trong đó ghi rõ “người xin việc phải nộp giấy CMND để người sử dụng lao động đăng ký tạm trú và nếu người lao động 5-10 phút sau đó đổi ý không nhận việc nữa, hoặc không làm quá 6 ngày một chỗ, mà muốn lấy lại CMND thì phải trả cho Cty số tiền 300.000 đồng gọi là chi phí phát sinh khi đến công ty xin việc”. Khi người lao động nhận việc, 3 bên gồm người lao động, trung tâm và bên tuyển dụng ký tiếp một “thoả thuận cung ứng lao động phổ thông”, nếu sau 6 ngày, người lao động muốn đổi, bỏ việc thì phải trả 800.000 đồng “phí cung ứng lao động”, chưa kể tiền xe ôm.

Ghi nhận trong 2 ngày ở Hương Sông Quê, nhiều người lao động vì không tìm được việc làm phù hợp đã phải cắn răng nộp 300.000 để lấy lại CMND. Ngay trong ngày đầu tiên tôi đến, một thanh niên đến hỏi CMND nhưng không có tiền chuộc và đòi báo công an nếu công ty không trả thì ngay lập tức bị nhân viên của Hương Sông Quê quát tháo ầm ĩ và thách thức đi báo công an! Thực tế, không hiếm trường hợp người lao động bị đánh đến ngất xỉu, người dân phải gọi điện báo cho công an nhờ can thiệp.

Sau khi nộp CMND, ký thoả thuận nhận việc làm với Cty Hương Sông Quê, tôi được giới thiệu đến làm nhân viên phục vụ một quán hủ tiếu Nam Vang ở Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phong, quận 7. Bắt đầu làm việc từ 4 giờ sáng, kết thúc vào lúc 17 giờ chiều, ăn ở tại quán, mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. Người xe ôm, đưa tôi đến nơi nhận việc, động viên: “Ráng lên con ạ, đi làm là cực khổ, mong con may mắn gặp được chủ tốt, chỗ làm đàng hoàng”.
 

Theo Lao động

.