Trong kí ức của nhiều người địa phương, nơi người Hàn tập trung đầu tiên là đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình). Nơi đây bây giờ vẫn giữ nét yên vắng khi lúc đầu chỉ xuất hiện khoảng 50 người ngoại quốc rồi tăng lên hơn trăm người.
 


Nếu năm 1994 chỉ có một quán ăn mang hương vị Hàn đầu tiên là Sa Rang Bang thì đến nay có cả chục cửa hiệu, nhà hàng, quán cà phê, bar do người Hàn và một số người Việt mở, có cả hiệu sản xuất nước uống tinh khiết On San của ông chủ người Hàn tên B.K.Hur. Các quán không chỉ phục vụ cho người Hàn sống ở đây mà cho cả khách từ Hàn Quốc đến TPHCM du lịch, tiêu biểu là quán giò heo hầm Hàn Quốc 130/21C, cà phê-bar Nyx Hop, quán ăn Koreana... Ở đây còn có hội tương hỗ người Hàn do một thương nhân lập để giúp đỡ kiều bào Hàn gặp khó khăn tại nước sở tại. “Khu Hàn” ở nơi khởi nghiệp của nhiều người xứ sở Cao Ly không tấp nập bằng các “phố Hàn” sau này như các khu: K300 (phường 12, quận Tân Bình), Super Bowl (phường 4, quận Tân Bình), Phú Mỹ Hưng (quận 7)...

Ở khu Nam Sài Gòn, người Hàn chuộng vì yên tĩnh, đầy đủ sông nước thoáng đãng và sự hiện đại với phố phường sầm uất. Đông nhất phải kể đến khu phố 3, phường Tân Phong. Phường này có khoảng 17 nghìn nhân khẩu nhưng thường dân đến từ xứ sở kim chi chiếm khoảng 1/3. Phần nhiều người Hàn đều thuê nhà. Tại đây thậm chí còn có tòa soạn báo phục vụ người Hàn như: ngoài tuần báo Kiều Dân Hàn Quốc (có văn phòng tại TPHCM) còn hàng loạt báo khác như tạp chí Good Morning VN, Viva, Sài Gòn quảng cáo... đều phát hành miễn phí phục vụ cộng đồng người Hàn Quốc tại Việt Nam. Dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh, người Hàn thoải mái vào siêu thị, tiệm làm tóc, quầy thuốc tây ghi chi chít tiếng Hàn và tiếng Anh.

Một trong những phố Hàn mới nhất là đường Thăng Long (phường 4, quận Tân Bình), với nhan nhản bảng hiệu dành cho người Hàn Quốc từ khách sạn, nhà hàng, mát-xa, quán ăn cho đến các tiệm cắt tóc, quán cà phê. Trên con đường ngắn thông ra đường Cộng Hòa có quán lươn mang tên mười năm tri kỷ, quán ăn thịt heo nướng Thăng Long garden... Không khí ở đây rất thanh bình. Ngày thường vắng hoe, tối đến người Hàn trở về nhà rồi tản bộ, đánh cờ tướng... Các cửa hiệu ở đây đều không thể thiếu đặc sản mang hương vị Cao Ly là rượu Soju và kim chi cay xè nhưng giá ở đây có khi còn rẻ hơn trong siêu thị.

Từng đi công việc tại nhiều quốc gia, anh Vũ Thành Trung (45 tuổi, làm nghề quản lý du lịch, nhà ở khu Super Bowl, phường 4, quận Tân Bình) cho biết, người Hàn rất thích sống gần sân bay để dễ bề đi về cố hương. Đó là lý do tại sao tại TP.Hồ Chí Minh, người Hàn hầu như “quây quần” tụ cư gần phi trường Tân Sơn Nhất, ngoại trừ một số người Hàn thích sống ở khu Nam Sài Gòn để hưởng gió lộng.

So với nhịp sống tại phố Tây (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) thì các phố Hàn thường tĩnh lặng hơn, ít “đấu rượu ngoại” hơn so với khách ngoại quốc đến từ Mỹ hay EU, Bắc Phi... Việc hình thành các phố Hàn đã làm Sài thành mang nhiều màu sắc và nhịp sống đặc biệt.
 

Theo CA.TPHCM

.