Liên quan đến bức tâm thư của cô giáo trẻ Hoàng Trâm ở thôn Đông Lâm, xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An gửi bà Thái Thị Hương - Chủ tịch tập đoàn TH True Milk đang gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua, phóng viên Vietnam+ đã có chuyến khảo sát thực tế về những ảnh hưởng của dự án nuôi bò sữa tới người dân khu vực.



Cần phải di dời 700 hộ dân ra khỏi khu chăn nuôi

Đem những phản ánh từ cả đôi bên doanh nghiệp và cư dân đến gặp cơ quan chức năng, chúng tôi được ông Vi Văn Định, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) cho biết, ngay sau khi bức thư của cô giáo Hoàng Trâm lan truyền trên mạng, chính quyền địa phương đã cử đoàn về cơ sở kiểm tra, tổ chức cuộc họp với người dân thôn Đông Lâm, để năm bắt tình hình.

“Phải thừa nhận, dự án nuôi bò sữa TH True Milk là một dự án rất lớn đang trong quá trình triển khai. Ở chừng mực nào đó thì dự án này vẫn chưa đảm bảo các cam kết về môi trường, song chúng tôi cũng ghi nhận rằng bản thân doanh nghiệp cũng đã có nhiều cố gắng, khắc phục và hoàn thiện.

Ví dụ như xe chở phân của doanh nghiệp trên thực tế cũng rơi vãi ra đường, nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, ngay sau khi báo nêu, huyện đã có phương án kiểm tra và xử lý ngay. Do đó, việc xe phóng nhanh vượt ẩu, gây té phân giờ đã được chấn chỉnh,” ông Định chia sẻ.

Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền địa phương huyện Nghĩa Đàn cũng trăn trở:  “Một dự án lớn như TH nói không tác động đến môi trường thì không đúng, nhất định ở một chừng mực nào đó thì cũng có những chỗ chưa đảm bảo. Nhất là vấn đề liên quan đến nguồn nước.

Do đó, vấn đề cần giải quyết khả thi nhất hiện nay là di dân tái định cư ra khỏi khu vực trại bò của doanh nghiệp, bởi dân còn ở đó thì sẽ còn bị ảnh hưởng.”

Theo con số từ TH True Milk, họ đã chi hàng chục tỷ đồng để di dời gần 30 hộ dân ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng môi trường. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe về lâu dài, ông Định cho biết trong thời gian tới sẽ phải di dời khoảng 700 hộ dân ra khỏi khu vực trang trại nuôi bò.

“Di dân tái định cư là hợp lý, song để chuyển hàng trăm hộ dân như vậy là việc làm không hề đơn giản.

Dù rằng đã chọn được vị trí di dời dân tới nơi ở mới, nhưng vấn đề khó khăn ở đây là nguồn vốn và phải đảm bảo cơ sở hạ tầng, điện, nguồn nước và sinh kế cho bà con. Do đó, việc di dân tái định cư này vẫn chưa thể triển khai được,” ông Định nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm trên, đại diện TH True Milk cho rằng di dân tái định cư là việc làm rất cần thiết.

“Thực tế, nói về dự án chăn nuôi công nghiệp thì không nên để người dân gần khu chăn nuôi, bởi ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến an toàn của đàn gia súc. Phần nữa là không để ảnh hưởng sức khỏe của người dân,” ông Cần chia sẻ.

Vị đại diện của TH True Mill cho là, để sớm đưa được dân ra khỏi khu chăn nuôi bò, họ cần có sự hợp tác từ các đơn vị có trách nhiệm là tỉnh Nghệ An, huyện Nghĩa Đàn để cùng thống nhất việc đền bù, di dân tới nơi ở mới một cách thỏa đáng nhất.

Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao khi xây dựng dự án cho đến khi dự án được phê duyệt thì vấn đề môi trường, và di dời các hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng không được đề cập đến và không được các nhà quy hoạch tính toán đến?

Giờ đây, mọi việc đã trở nên khó khăn hơn nhiều, đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt thòi chính là những người dân.

Nếu như không quyết liệt di dời đi cùng với các biện pháp xử lý môi trường triệt để thì rồi lá thư của cô gái Trâm cũng như câu chuyện này lại chìm sâu vào trong lãng quên để rồi, lúc chứng minh ra những tác hại hiển hiện của nó bằng khoa học, chức năng thì đã quá muộn.
 

Theo Vietnam+

.