Chim săn mồi, trong đó có đại bàng vốn được coi biểu tượng của quyền lực. Thú chơi chim săn mồi đã xuất hiện trên thế giới khoảng 40 năm, tuy vậy nó mới du nhập vào nước ta trong những năm gần đây.
Mối lo lớn nhất của dân chơi đại bàng là căn bệnh lở miệng bởi khi vết lở ăn sâu vào trong xương, chim sẽ chết vì đói. Trong khi đó, ở Việt Nam gần như không có bác sĩ thú y chuyên trị bệnh cho chim. Theo kinh nghiệm của anh Phong, để ngăn tình trạng đại bàng lở miệng thì khi đại bàng ăn xong, phải nhanh chóng dùng bình xịt rửa sạch miệng và chân cho chúng.
Theo anh Quang, nhà ở phường Chánh Mỹ, Thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương - người sở hữu 2 con đại bàng đầu nâu: đây là loài có nguồn gốc ở vùng sa mạc bên châu Phi. Đặc điểm của loài đại bàng này là móng vuốt và mỏ dài, sắc như dao nhọn và có khả năng sát thương rất lớn.
Tuy nhiên, đại bàng nuôi hiện nay đều được nuôi từ bé nên chúng không có khả năng săn mồi, vì vậy, người nuôi phải huấn luyện để khơi dậy khả năng của loài thú hoang dã này. Đây là công việc kỳ công, cần luyện tập hàng ngày, chỉ những ai thực sự yêu thích và quan tâm đến loài chim này mới có thể huấn luyện được chúng.
Thế nên, khi nuôi đại bàng, người nuôi phải có thêm một số dụng cụ hỗ trợ như bao da để huấn luyện hay hệ thống dây, nơi trú ngụ cho chim. Nếu muốn thả chim bay tự do vào bầu trời, người nuôi, sau khi huấn luyện thuần thục để chim có thể quay về, còn phải dùng hệ thống con chip phát tín hiệu để hỗ trợ. Tuy nhiên, hầu hết người nuôi chim ở Việt Nam chưa sử dụng và quan tâm đến loại dụng cụ này.
Anh Quang kể: “Người nào nuôi đại bàng cũng phải thực sự yêu thích và kiên nhẫn vì loài chim này rất khó tính và khó thuần phục”.
Những chia sẻ "ngộ nghĩnh"
Em Đỗ Quốc Hậu, học sinh lớp 6 ở thị xã Dĩ An, Bình Dương tâm sự: “Khi đi học về gặp trời gió lớn, một chú chim se sẻ rơi khỏi tổ nên em mang về nuôi dưỡng, qua 3 tháng huấn luyện chú chim non đã thành thục, không sợ người, lúc nào cũng bay quanh quẩn bên em. Nhìn vào các anh chị trong nhóm em là thành viên “nhí” nhất, nhưng trình độ huấn luyện chim thuộc dạng có hạng.
Trong câu lạc bộ, có lẽ anh Phi “sóc” là người vui vẻ nhất, bởi đi đâu cũng có một chú sóc bu quanh nhảy nhót. Tuy nhiên khi các bạn thả đại bàng ra săn mồi thì lập tức Phi phải nhốt sóc vào lồng, nếu không chú sóc yêu quí sẽ trở thành mồi ngon cho đại bàng. Còn anh Lê Quốc Đạt, năm nay 42 tuổi, có 2 năm huấn luyện đại bàng đem đến cho một bất ngờ thú vị. Khi anh thả đại bàng bay lượn xung quanh Công viên Thành phố Mới, chim cứ bay mãi, bay mãi... và cứ ngỡ đại bàng sẽ bay về với rừng, nhưng đến chiều tối hôm đó đại bàng mới quay về trong niềm vui và sự thán phục của cả nhóm!
Huấn luyện đại bàng là một môn thể thao mang tính nhân văn và trí tuệ cao, chính vì vậy Câu lạc bộ Fanconry Bình Dương ra đời không chỉ mang tính chất đơn thuần là giải trí, mà tất cả anh em trong hội mong muốn sẽ cùng mọi người cùng chung tay cứu hộ những con vật hoang dã, những con đại bàng bị săn bắt trộm, hoặc chuẩn bị làm thịt, ngâm rượu...được đem về nuôi nấng chu đáo, huấn luyện thành thục các kỹ năng săn mồi, sau đó thả chúng về với môi trường tự nhiên.
Theo Infonet