Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hồ tôm xâm lấn, người dân đóng giếng ồ ạt khai thác nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất khiến mạch nước ngầm ở các vùng ven biển cạn kiệt. Trong khi đó, nước ngầm là mạch nguồn chính phục vụ cho phần lớn người dân ven biển.
 
 
Việc chở nước gây nhiều bất tiện trong đời sống. Nhiều người cùng nhau góp tiền đóng giếng, bắt mô tơ, ống dẫn ở các điểm có nước rồi dẫn về nhà, có đoạn dài cả cây số. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng nhiều giếng đóng nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn. Nhiều giếng khoan sâu hàng chục mét không có nước, phải bỏ giữa chừng.
 
Nhiều năm qua, giếng đào của ông Phạm Trà (79 tuổi) ở xóm Xuân Hòa, thôn Xuân An là điểm chở nước của nhiều người. Mặc dù đã gần tối, nhưng ông Phạm Văn Công (con trai ông Trà) vẫn chưa bơm nước vào thùng chứa. Ông Công chia sẻ: “Nắng nóng kéo dài, ít mưa nên mới đầu tháng 5, giếng chỉ còn độ vài thùng nước. Tôi để dành cho những người xung quanh đến chở nước trước. Bởi chỉ cần bật mô-tơ là giếng sạch nước”. Nước giếng mỗi ngày mỗi ít, lại chuyển sang có mùi phèn, vị lợ vì số hồ nuôi tôm bùng phát, dẫn nước mặn vào làm ảnh hưởng đến nguồn nước, ông Công lo lắng.
 
Còn tại xã ven biển Bình Hải (Bình Sơn), phần lớn người dân thôn Thanh Thủy sử dụng nước ngầm. Do nhu cầu phục vụ đời sống, sản xuất nên số lượng giếng khoan ngày càng nhiều. Thời điểm này, nhiều giếng đào mất nước. Đến mùa hè, tình hình thiếu nước diễn ra càng gay gắt hơn. Một người dân ở thôn Thanh Thủy cho hay: "Càng khai thác nước ngầm, càng làm ảnh hưởng đến tài nguyên nước".
 
Giữ rừng là giữ nước
 
Để phục vụ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp, người dân phải cần nước để tưới tiêu, chăm sóc cho cây trồng. Năm 2015, Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn đã đầu tư nạo vét lòng hồ, đắp đập Ngâm tại thôn Thanh Thủy, nhằm tích trữ nước tự nhiên vừa để phục vụ cho sản xuất, vừa giữ độ ẩm và tăng nguồn nước ngầm dưới lòng đất.
 
Là địa phương ven biển, kinh nghiệm giữ nước của người dân xã Phổ Quang (Đức Phổ) là bảo vệ rừng dương. Ông Võ Xuân Cẩm ở thôn Hải Tân, xã Phổ Quang nói: “Trên địa bàn xã có cửa biển lớn nên dễ bị nước mặn xâm nhập, nhưng nhờ rừng dương đã giúp ngăn mặn, giữ nước ngọt. Không riêng gì vùng ven biển, nơi nào giữ được rừng là giữ được mạch nước ngầm”.
 
Ngoài tuyên truyền giữ rừng dương ven biển, trong các cuộc họp dân ở Phổ Quang chính quyền đã lồng ghép về tuyên truyền sử dụng tiết kiệm nước. "Do đặc thù địa phương chủ yếu là nghề biển, nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ, nên tập trung người dân rất khó để triển khai về một chủ đề. Do đó, chúng tôi kết hợp linh hoạt tuyên truyền trong các cuộc họp chung, ông Nguyễn Nhật Tân - Trưởng thôn Hải Tân cho hay.
Theo Phòng Khoáng sản, Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn (Sở TN&MT), công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước đã được triển khai theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Tài nguyên nước. Tuy nhiên, còn nhiều bất cập trong khâu tổ chức thực hiện. Công tác kiểm tra, hậu kiểm tra chưa được thực hiện, vì vậy không có cơ sở để cảnh báo, ngăn chặn, khắc phục có hiệu quả tình trạng suy giảm tài nguyên nước; phòng ngừa, hạn chế và giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm tài nguyên nước mặt, nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Công tác khoanh định, công bố vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất chưa được triển khai thực hiện.
 
Theo Báo Quảng Ngãi
.