Ở xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong hiện đang xảy ra tình trạng: Người dân và chính quyền xã thì ra sức bảo vệ rừng, còn lâm tặc ở nơi khác thì lại chọn nơi đây để phá rừng.

 


Lâm tặc ngoài địa phương “đại náo” rừng Phan Dũng

Trong buổi làm việc với ông Dương Văn An, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Chủ tịch UBND xã Phan Dũng đã phản ánh khá gay gắt tình trạng này. Theo Chủ tịch UBND xã Phan Dũng, mấy năm trở lại đây tình trạng lâm tặc ở các địa phương khác đến xã Phan Dũng phá rừng diễn ra khá phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng. Lâm tặc ở một số xã giáp ranh với khu vực rừng do xã quản lý lợi dụng đêm tối, lúc vắng người đã tiến hành chặt phá rừng. Bên cạnh đó, lâm tặc từ huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng thời gian gần đây cũng hoạt động rầm rộ hơn. Các đối tượng này thường phá rừng ở những nơi xa, địa hình hiểm trở khiến công tác triệt phá vô cùng khó khăn.

Theo người dân ở đây, lâm tặc ở tỉnh Lâm Đồng sử dụng nhiều phương tiện hiện đại như cưa máy, xe kéo, xe tải lớn nên chỉ trong một thời gian ngắn diện tích rừng mà các đối tượng này chặt phá rất lớn. Lâm tặc hoạt động bất kể ngày đêm, còn việc vận chuyển gỗ về xuôi thì diễn ra không theo một quy luật nào. Thường thì trước khi vận chuyển bọn chúng cho người đi dò đường, sau đó đoàn xe chở gỗ, phóng với tốc độ cao lao vun vút trên đường. Người dân gặp phải các xe này đều phải tránh xa vì sợ nguy hiểm.

Theo báo cáo của UBND xã Phan Dũng: Từ đầu năm đến nay, xã đã tiến hành truy quét, phát hiện và tịch thu 21 lóng gỗ, tịch thu 3 xe máy tự chế và một số tang vật khác. Bên cạnh đó, các chủ rừng còn tịch thu nhiều loại gỗ từ các đợt truy quét.

Tác động xấu đến tâm lý người dân

Việc các đối tượng lâm tặc từ nơi khác đến phá rừng Phan Dũng đã tác động không tốt đến tâm lý người dân cũng như các hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Trước đây, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng thực hiện khá tốt công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng. Nhưng từ năm 2012 đến nay, tình trạng chặt phá rừng đã có dấu hiệu xảy ra ở một số hộ nhận khoán. Theo lý giải của UBND xã Phan Dũng: “Nguyên nhân chính do các cấp, các ngành không giải quyết triệt để nên các đối tượng từ khu vực khác đến khai thác gỗ tại địa phương, từ đó một số hộ tại xã lén lút khai thác gỗ trái phép”. Dư luận tại xã Phan Dũng đang đặt câu hỏi, đường vận chuyển gỗ của lâm tặc từ Phan Dũng về thị trấn Liên Hương rất ít. Trong khi đó, trên tuyến đường này có đến 8 đơn vị chức năng quản lý, bảo vệ rừng. Nhưng không hiểu sao lâm tặc vẫn vận chuyển gỗ trót lọt? Ông Hồ Ba, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cho biết: Thời gian qua tình trạng phá rừng ở xã Phan Dũng chủ yếu do các đối tượng ngoài địa phương gây ra, còn người dân trong xã thực hiện rất tốt việc này. Trước đây, có một số đối tượng lợi dụng việc dọn rừng, khai thác cây củi để lén lút phá rừng. Biết được điều này chúng tôi đã đề nghị kiểm lâm không cho người dân vào rừng khai thác củi khô nữa. UBND huyện Tuy Phong cũng đã tổ chức gặp gỡ nhiều lần với UBND huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng để bàn cách phối hợp chống lâm tặc. Thời gian tới, chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị có chức năng quản lý bảo vệ rừng trên tuyến đường từ xã Phan Dũng về thị trấn Liên Hương, tăng cường kiểm tra, tuần tra trên tuyến đường mà các đơn vị quản lý.

Hiện tại, xã Phan Dũng đã giao khoán, quản lý bảo vệ rừng với diện tích 5.223,4 ha/141 hộ, bình quân mỗi hộ nhận và quản lý 30,7ha. Mỗi năm các hộ thu nhập từ rừng khoảng 3 - 4 triệu đồng. Rừng đã và đang tạo nguồn thu nhập chính cho người dân ở đây, và là nơi chăn thả gia súc của người dân. Vì thế, tình trạng phá rừng đang xảy ra như hiện nay, người dân không khỏi lo lắng.

 

Theo Báo Bình Thuận

.