Điệu nói thơ Bạc Liêu hào sảng, khoan thai mà đanh thép từng là vũ khí đấu tranh trên mặt trận tư tưởng và cổ vũ tinh thần của các chiến sĩ trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Nghệ nhân Út Bến Hải từng là một chiến sĩ - nghệ sĩ trên mặt trận ấy. Ngày hòa bình, cô Út lại nói thơ Bạc Liêu, vừa hoài niệm một thời hoa lửa...
Cô Út kể quá trình hình thành của điệu nói thơ Bạc Liêu. So với các loại hình dân ca, dân nhạc khác ở Nam bộ thì nói thơ Bạc Liêu được xem là "sinh sau đẻ muộn", sau cả nói thơ Vân Tiên, Sáu Trọng… Khoảng sau năm 1945, trong các đoàn văn công nhiều người không hát cải lương và vọng cổ vì giai điệu buồn bã, u sầu, không phù hợp tuyên truyền, cổ vũ cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Nhiều văn nghệ sĩ ở Bạc Liêu, trong đó có nhạc sư đờn kìm và ghi ta phím lõm Thái Đắc Hàng, đã sáng tạo một số thể loại âm nhạc, nghệ thuật mới để phục vụ đồng bào chiến sĩ. Năm 1948, tình cờ ông Thái Đắc Hàng đọc được bài thơ "Mười thương" của thi sĩ Phi Bằng viết bằng thể thơ lục bát với ý tứ và văn vẻ rất hay. Thích thú, ông Thái Đắc Hàng dùng bài "Mười thương" làm lời, ôm đờn măng-đô-lin sáng tạo điệu nói thơ mà sau này ông đặt tên là nói thơ Bạc Liêu. Ngay lập tức, điệu nói thơ được chiến sĩ, đồng bào yêu thích và lan truyền trong những cánh rừng vùng Đất Mũi bởi ngoài giai điệu réo rắt, vui tươi, phần lời cũng rất ý nghĩa, mang tính cổ động cao.
Cô Út bồi hồi nhớ lại, những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp và suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, ở đâu trên đất mảnh đất Bạc Liêu, sau này là Minh Hải, cũng được nghe điệu nói thơ Bạc Liêu. Năm 1970, nhạc sĩ Anatoli Bưtxơkôp người Kazakhstan (thuộc Liên Xô cũ) đã chọn điệu nói thơ Bạc Liêu làm nhạc chủ đạo cho vở kịch nói về cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam Việt Nam. Người dân xứ Vọng cổ ai nấy đều tự hào vì lại góp cho âm nhạc dân tộc một điệu thức mới mẻ, độc đáo. Cô Út còn kể cho chúng tôi nghe những tác phẩm âm nhạc, điện ảnh đã trân trọng dùng điệu nói thơ Bạc Liêu như các phim: "Đất Phương Nam", "Máu thắm đồng Nọc Nạng", "Phạm Công - Cúc Hoa"… và nhiều ca khúc nổi tiếng như: "Trên quê hương Minh Hải", "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn", "Trở lại Bạc Liêu"… mang hơi thở của điệu nói thơ Bạc Liêu.
Cô Út say sưa kể về điệu nói thơ Bạc Liêu bởi đó là tiếng lòng, là tâm tư tình cảm của người dân nơi đây. Mỗi khi nghe nói thơ Bạc Liêu, bao hoài niệm về một thời đi nói thơ cho chiến sĩ đồng bào nghe lại ùa về trong ký ức của cô…
Tiếng thơ- tiếng lòng
Nói thơ Bạc Liêu đã đi theo cô Út Bến Hải gần trọn một đời. Năm 14, 15 tuổi, khi cô công tác tại Ban Thiếu nhi - Tỉnh đoàn Bạc Liêu (cũ, gồm cả địa phận Cà Mau ngày nay), cô tập tành nói thơ Bạc Liêu theo các anh chị, không ngờ được nhiều người khen. Vậy là trong các buổi văn nghệ tập hợp thanh thiếu nhi và các buổi văn nghệ tuyên truyền, cô Út được mời nói thơ Bạc Liêu. Bé gái với gương mặt bầu bĩnh, dễ thương vừa đàn măng-đô-lin vừa nói thơ luôn làm không khí mỗi buổi văn nghệ thêm rộn ràng, thu hút.
Phần lời của nói thơ Bạc Liêu là thơ lục bát nên dễ sáng tác, dễ học thuộc lại thêm phần nhạc không cầu kỳ nên dễ học, dễ nhớ và dễ trình diễn. Sau này, cô Út Bến Hải được điều chuyển công tác ở Hội phụ nữ tỉnh, Thị xã ủy Bạc Liêu, Hội Phụ nữ khu Tây Nam bộ, Hiệu Phó Trường Công Nông I - Bạc Liêu… Dù công tác ở đâu, cương vị nào, điệu nói thơ Bạc Liêu vẫn là thế mạnh của người cán bộ cách mạng này. Những lúc chị em phụ nữ hoạt động trong căn cứ, chiến khu, tối đến cô Út lại nói thơ Bạc Liêu cổ vũ tinh thần chị em, ca ngợi cuộc đấu tranh vệ quốc của dân tộc.
Gần 3 năm (1962-1964) cô Út bị địch bắt, giam ở Nhà tù Phú Lợi - một trong những "địa ngục trần gian" của Mỹ - Ngụy. Cô và các bạn tù bị tra tấn dã man. Nhưng khi chúng quay lưng, cô lại tụ họp chị em, dạy nói thơ Bạc Liêu. Trong đêm tối tĩnh mịch, lạnh lẽo của nhà tù, giọng nói thơ nghe hào sảng mà có chút gì đó nghẹn ngào, vấn vương của nữ tù Út Bến Hải đã giúp bạn tù có thêm nghị lực, kiên gan trước kẻ thù. Có những chị bạn tù vì không chịu nổi đòn roi đã hy sinh trong nhà tù và những câu nói thơ Bạc Liêu là lời tiễn biệt ngậm ngùi, tình nghĩa…
Trong cuộc đời làm cách mạng, cô Út nhiều năm phụ trách công tác binh vận. Trong khi nhiều người dùng lời lẽ khuyên địch bỏ súng về với gia đình vợ con thì cô Út lại có thêm phần nói thơ Bạc Liêu. Cô còn nhớ lúc đội tuyên truyền của cô đặt bên kia con kinh đối diện với đồn Cả Nhút (thuộc xã Tân Thành, vùng ven thị xã Cà Mau) và đồn ở kinh xáng Tắc Thủ. Núp trong hầm, cô cầm loa nói vọng sang những câu thơ nghe có gì đó ai oán, ngậm ngùi:
"Trách ai gây cảnh chiến tranh
Làm cho chồng vợ gia đình tiêu tan
Làm cho Nam - Bắc đôi đàng
Làm cho dân tộc muôn ngàn đắng cay"
Nhiều tên lính đã được cô Út cảm hóa bằng điệu nói thơ Bạc Liêu nhưng cũng có không ít lần địch xả súng bắn sang, trúng sát nắp hầm. Vậy nhưng cô Út không hề sợ hãi, đêm đêm, giữa đồng không mông quạnh, giọng nói thơ của cô Út lại vang lên như những lời giáo hóa kẻ thù.
Giữa tháng 4-2013, chúng tôi có dịp gặp lại cô Út tại Liên hoan Dân ca toàn quốc - khu vực Nam bộ. Cô mang đến Liên hoan tiết mục nói thơ Bạc Liêu, bài "Thương anh Vệ Quốc Quân" với tư cách là nghệ nhân cao tuổi nhất tham gia. Điều làm cô vui là có dịp thổ lộ tiếng lòng của người dân Bạc Liêu. Năm 2012, cô Út Bến Hải đã sưu tầm được 22 bài thơ nguyên bản là phần lời của nói thơ Bạc Liêu gửi tặng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và ngành văn hóa tỉnh Bạc Liêu với mong muốn gìn giữ loại hình dân ca độc đáo của địa phương. Cô Út tâm sự rằng: "Số người lớn tuổi còn biết nói thơ Bạc Liêu đếm chưa giáp mười ngón tay. Tụi nhỏ thì càng không biết. Tui lo rồi đây nói thơ Bạc Liêu sẽ trở thành quá khứ". Chính việc làm của cô Út đã "đánh thức" ngành văn hóa tỉnh trong việc bảo tồn loại hình nghệ thuật này. Ông Vưu Long Vĩ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu, nói: "Cô Út rất tâm huyết với nói thơ Bạc Liêu. Cũng nhờ những tài liệu cô cung cấp mà sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức những lớp dạy nói thơ Bạc Liêu và mở cuộc vận động sáng tác lời mới cho loại hình dân ca này. Chắc chắn rằng, trong những hoạt động ấy, cô Út sẽ là "báu vật" của lớp trẻ".
* * *
Tiễn khách, cô dặn chúng tôi: "Đừng nói về cô nhiều, hãy nói về nói thơ Bạc Liêu cho nhiều người được biết!".
Bài 3: "Phù thủy" sân khấu Dù Kê
Theo Báo Cần Thơ