(BVPL) - Tết Nguyên đán đang đến gần là giai đoạn cao điểm hoạt động của tội phạm buôn lậu, buôn bán, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái. Mặc dù, các lực lượng chức năng tăng cường tối đa về cả lực lượng và các biện pháp để triệt phá các hành vi phạm tội, song hệ thống văn bản pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại còn bị chồng chéo, bất cập, cùng với đó, lực lượng chức năng vẫn còn có những yếu kém nên hiệu quả hoạt động, phát hiện và đánh sập những đường dây, ổ nhóm lớn còn nhiều hạn chế.

 


Buôn lậu diễn ra ở hầu khắp các địa phương, đặc biệt trên các tuyến biên giới từ miền Bắc, miền Trung đến miền Nam với đa dạng hình thức từ đường bộ, đường không, đường biển. Mới đây, Công an TP. Hồ Chí Minh triệt phá đường dây ma túy lớn từ Bắc vào Nam thu giữ 18,5kg ma túy đá. Công an Hà Nội phát hiện và thu giữ hàng tấn mỳ chính Trung Quốc được đóng mác nhãn hiệu nổi tiếng đưa vào thị trường tiêu thụ. Trước đó, Công an tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn phát hiện, thu giữ hàng tấn pháo nhập lậu. Lực lượng quản lý thị trường Lào Cai bắt hơn 3 tấn lòng lợn đang phân hủy, bốc mùi hôi thối chuẩn bị đưa vào thị trường tiêu thụ. Tại An Giang, lực lượng chức năng bắt giữ 4 vụ vận chuyển thuốc lá ngoại qua biên giới, thu giữ gần 11 nghìn gói thuốc lá. Điều đáng nói là các đối tượng ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi và liều lĩnh như trà trộn hàng thực phẩm chức năng, hàng giả, hàng nhái với hàng thật qua các cửa khẩu lấy danh nghĩa hàng xách tay để tiêu thụ nội địa. Mặt hàng gia súc, gia cầm được giết mổ ngay ở biên giới rồi cất giấu vận chuyển bằng xe du lịch, xe đông lạnh đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối nội địa. Thuốc lá được chia nhỏ cất giấu trong hàng hóa khác nhau hoặc các loại đa phương tiện. Hóa đơn của các mặt hàng như điện thoại di động, máy tính, thuốc lá, rượu ngoại, thuốc tân dược thường được quay vòng để qua mặt các cơ quan chức năng.

Thượng tá Trần Quốc Dũng, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu, thuộc Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công An, cho biết: “Tình hình buôn lậu, kinh doanh trái phép, trốn lậu thuế còn diễn biến phức tạp gây bức xúc trong nhân dân. Tình trạng này xảy ra ở địa bàn trọng điểm như khu vực biên giới phía Bắc, Tây Nam, trên các tuyến hàng không, đường bộ, đường biển. Các đối tượng hoạt động tinh vi, nhiều vụ lớn có đường dây, tổ chức và lợi dụng kẽ hở trong chính sách, pháp luật”.

Trong khi đó, sự chồng chéo, bất cập, chậm sửa đổi bổ sung trong hệ thống văn bản pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại là một trong những yếu tố gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ. Cụ thể, chế tài xử phạt còn nhẹ, chẳng hạn quy định mức xử phạt tối đa với hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả 200 triệu đồng là chưa đủ sức răn đe.

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: “Quản lý thị trường hiệu quả còn hạn chế, số vụ kiểm tra kiểm soát nhiều nhưng số vụ xử lý thì ít. Mỗi năm quản lý thị trường kiểm tra và xử lý 100 nghìn vụ, số thu nộp ngân sách 400 tỷ đồng. Yêu cầu đặt ra là phải phát hiện bắt giữ những đường dây, ổ nhóm lớn. Chúng tôi rất cố gắng, nhưng thật sự là khó. Những vụ việc lớn, các đường dây ổ nhóm lớn thì phải phối hợp với bên Công an, Hải quan mới triệt phá được. Quản lý thị trường không cho phép có điều tra trinh sát đặc thù, chuyên sâu”.

Buôn lậu và gian lận thương mại không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, mà còn gây thất thu ngân sách nhà nước, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp. Số vụ phát hiện của năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2015, lực lượng chức năng cả nước phát hiện xử lý hơn 200 nghìn vụ vi phạm, khởi tố gần 1.300 vụ án hình sự, tăng hơn 10% so với năm 2014.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016 của lực lượng Quản lý thị trường, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu: “Lực lượng quản lý thị trường là chủ công cùng với lực lượng Công an phải có giải pháp đồng bộ, quyết liệt để lập lại tình hình. Một là, lực lượng quản lý thị trường phải mạnh và trong sạch, nếu bảo kê bao che thì không bao giờ thành công. Hai là, phải cùng các hiệp hội ngành hàng phát động phong trào trong quần chúng và ký kết hợp đồng với các hộ kinh doanh không buôn bán hàng lậu hàng cấm. Ba là, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, điều tra xử lý nghiêm đặc biệt là các đầu nậu, nhằm lập lại trật tự trong thời gian tới”.
 

Nguyên Khoa

.