(BVPL) - Hiện trạng sử dụng lòng đường, vỉa hè trái phép tại các thành phố lớn như TP. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn đang là một bài toán nhức nhối. Để các qui định quản lý phù hợp với thực tế cuộc sống, Nghị định số 100/2013/NĐ-CP vừa có hiệu lực từ ngày 20/10/2013 đã cụ thể hóa việc sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè vào mục đích ngoài giao thông. Nghị định này ra đời nhằm giúp công tác quản lý giao thông đô thị đi vào nề nếp và có thời hạn đến hết năm 2023.

 


Theo một chuyên viên Phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm: “Thực tế nhu cầu của người dân là rất lớn, trong khi diện tích vỉa hè lại có hạn, nên tình trạng vi phạm là phổ biến. Việc vi phạm của những điểm trông giữ xe cũng không cố định mà tùy thuộc lúc đông khách, ít khách nên việc xử lý vi phạm cũng rất khó”.

Một tình trạng nữa là việc nhiều hộ dân khi gia đình có đám cưới, đám tang thường tự ý sử dụng vỉa hè, lòng đường để dựng rạp hoặc tự quây lòng đường, sử dụng vỉa hè để làm nơi trông giữ xe cho khách, cản trở việc đi lại của người dân, nhưng chưa được lực lượng chức năng có biện pháp xử lý.

Sắp xếp lại bộ mặt đô thị

Tại Hội nghị triển khai công tác trật tự an toàn giao thông (ATGT) năm 2012, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã chỉ đạo “Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung các qui định có liên quan, trong đó cần hướng dẫn chi tiết Điều 36 Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) về các trường hợp đặc biệt được sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố không mục đích giao thông”. Từ yêu cầu trên, Bộ GTVT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2013/NĐ-CP vào ngày 3/9/2013 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/10.

Theo đó, để giải quyết tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng đường, hè phố làm nơi kinh doanh, điểm đỗ ôtô, giữ môtô, xe gắn máy, Nghị định này đã bổ sung một số điểm cụ thể hơn qui định cách thức sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông. Theo đó, để bảo đảm giao thông, trật tự đô thị và ATGT, chỉ những trường hợp sau mới được cấp phép, gồm: Để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Tổ chức và trông giữ xe phục vụ đám tang, đám cưới; Phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình.

Thời gian cho phép để thực hiện những công việc này cũng được xác định: Không quá 30 ngày đối với các mục đích để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; Không quá 48 giờ đối với đám tang và đám cưới; Sử dụng làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình chỉ được phép từ 22h đến 6 giờ sáng.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, về nguyên tắc giao thông thì lòng đường, vỉa hè chỉ được phép sử dụng cho mục đích giao thông bởi nếu không tuân thủ điều này sẽ có sự mâu thuẫn giữa nhu cầu xã hội với công tác bảo đảm giao thông và ATGT. Tuy nhiên, xét trong thực tế hiện nay tại các đô thị lớn, nhu cầu sử dụng vào mục đích ngoài giao thông như: làm bãi đỗ xe, tập kết vật liệu, rác thải, tổ chức ma chay, hiếu hỷ là những nhu cầu có thực nên việc cho phép sử dụng lòng đường, vỉa hè vào các mục đích khác đã được tính đến. Tuy nhiên đây chỉ được coi là giải pháp trước mắt. Vì vậy trong Nghị định này cũng chỉ có thời hạn đến hết năm 2023.

Việc qui định cụ thể, khoanh vùng những trường hợp được sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè không chỉ đáp ứng được nhu cầu bức thiết của người dân mà còn là để phân biệt và loại bớt những trường hợp chiếm dụng phi pháp và phục vụ những lợi ích cá biệt. Hơn thế, đấy cũng là cách thức để tiến tới việc bảo đảm văn minh đô thị và bảo đảm người dân có thể tham gia giao thông một cách an toàn khi trật tự đô thị được quản lý tốt hơn.
 

PV

.