Mấy ngày nay, sự việc VTV vạch mặt các nhà ngoại cảm trong đó có Phan Thị Bích Hằng đã khiến dư luận dậy sóng với những phản ứng trái chiều.
Một trong những câu chuyện được mọi người truyền tai nhau và góp phần không nhỏ tạo nên lời đồn về “huyền thoại ngoại cảm” của Việt Nam – Phan Thị Bích Hằng là câu chuyện tìm kiếm hơn 4.000 hài cốt liệt sĩ tại nhà tù Phú Quốc – Kiên Giang vào năm 2008.
Chính tại nơi đây, vài năm trước, khi đào móng khởi công tượng đài này, người ta đã vô tình bới được hàng trăm bộ hài cốt. Có bộ xương được “đóng” tới… 16 cái đinh mười (đinh to như ngón tay), có bộ được chằng trói bằng dây thừng, dây nhựa dẻo rất tàn độc. Hàng trăm chiếc đinh tra tấn người tù được nhặt ra khỏi các mớ xương, Trung tá Nguyễn Văn Cao, đội phó đội K92 đem giao nộp cho cán bộ văn hóa địa phương để trưng bày tại Bảo tàng, ai trông thấy cũng lạnh sống lưng.
Đây được coi là hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Trong cuộc tìm kiếm này có nhiều đoàn dựa trên những nhân chứng là cựu tù Phú Quốc, những bằng chứng lịch sử để đi tìm hài cốt các chiến sĩ đã hi sinh vì nền độc lập của dân tộc và bà Phan Thị Bích Hằng là một trong những người tham gia một đoàn tìm mộ trong đợt này.
Nhiều nguồn tin nói rằng, vào tháng 10/2008, bà Phan Thị Bích Hằng cùng với ông Nguyễn Trọng Dư – Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng, đã đặt chân lên huyện đảo Phú Quốc. Khi xe ô tô vừa đỗ trước cửa Tượng đài, Bích Hằng vừa bước chân xuống thì như có một thế lực nào huyền bí, ngăn không cho chị vào mà kéo tuột chị đến cánh rừng rậm rạp phía trước. Cho đến khi cánh cửa sắt lừng lững với hàng rào kẽm gai hiện ra trước mặt, chị và đoàn tìm kiếm mới dừng lại.
|
Bà Phan Thị Bích Hằng. |
Tại đây, bà Hằng thốt lên: “Các chú ơi! Hài cốt nhiều quá. Nằm ngang, nằm dọc, tầng tầng lớp lớp. Toàn hầm mộ tập thể các chú ơi!”. Đi bộ vào sâu trong rừng chừng 100m, bất chợt bà Bích Hằng kêu lên thảng thốt rồi chắp tay, giọng run run khấn thần núi, thần sông, thần biển, khấn vong linh các anh hùng liệt sĩ. Sau đó, Bích Hằng đã vạch cây rừng chạy lên trên đồi, một trung tá quân đội ngăn cản nhưng bà Hằng mặc kệ mà phăm phăm chạy đến những khoảng đất mà bà Hằng cho rằng đang có hài cốt liệt sĩ ở bên dưới.
Sự thật là hơn 4000 hài cốt liệt sĩ được tìm thấy ở một mảnh đất xác định là hố chôn tập thể nhưng đoàn nào có công tham gia tìm kiếm được hơn 4000 bộ hài cốt đó thì vẫn chưa thể xác định được. bởi thời điểm đó có nhiều đoàn nhà ngoại cảm cùng tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại đây.
Nói về sự kiện này, thiếu tướng, TS Nguyễn Chu Phác tâm sự: “Cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại Phú Quốc, Kiên Giang có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Ngay từ thời điểm bắt đầu tìm kiếm, tôi đã chú ý tới sự kiện này. Có nhiều đoàn có kinh nghiệm về tìm mộ liệt sĩ cùng tham gia tìm kiếm ở khu vực nhà tù Phú Quốc. Sau khi tìm kiếm được hơn 4000 hài cốt liệt sĩ ở đây, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã tổ chức tri ân, trao thưởng cho những cá nhân, tổ chức tham gia tìm được hơn 4000 bộ hài cốt. Tuy nhiên, trong buổi lễ này lại không có cô Phan Thị Bích Hằng và theo tôi được biết, cô Hằng cũng không được trao phần thưởng gì cả.
Bất ngờ và băn khoăn với tình tiết này nên ngay sau đó tôi đã viết thư gửi vào cho ban lãnh đạo tỉnh Kiên Giang để hỏi rõ về sự việc trao thưởng và tri ân các đoàn tìm mộ. Nhưng lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã trả lời tôi rằng: Chúng tôi không biết bà Hằng – bà Phan Thị Bích Hằng nào đã tìm hài cốt liệt sĩ ở Phú Quốc cả!”.
Vậy công lao của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã bị lãnh đạo tỉnh Kiên Giang lãng quên hay thực sự là bà không tham gia vào việc tìm kiếm này?
Được biết, cuộc tìm kiếm và quy tập hài cốt này có những điều bất thường. 4000 mộ liệt sĩ sau khi được khai quật lên, các nhà ngoại cảm tự phân chia xương thành từng phần và gán tên cho những phần xương đó. Tiếp đó tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc lập bia mộ, chôn cất mà không qua quá trình xét nghiệm AND để xác thực thông tin.
Hàng nghìn liệt sĩ được chôn chung một huyệt lớn như vậy liệu có thể xảy ra sự nhầm lẫn hài cốt của người này với người khác hay không?
Theo kể lại, có những cựu tù binh từng bị giam cầm tại nhà tù này cũng có mặt tại lễ cầu siêu đưa hài cốt liệt sĩ về an tang tại nghĩa trang Phú Quốc được hỏi có nhận được cái tên nào trong số những hài cốt được khai quật lên thì chẳng ai nhận ra cả.
Theo Người Đưa Tin