Hầu hết các vựa ve chai trên địa bàn TP. Vũng Tàu nằm xen kẽ khu dân cư. Nếu chủ quan, lơ là và không có biện pháp phòng, ngừa thì nguy cơ cháy nổ rất cao.

 


Nhiều phế liệu dễ cháy

Hầu hết các vựa ve chai trên địa bàn TP. Vũng Tàu nằm xen kẽ trong khu dân cư. Một số vựa rất chủ quan, lơ là, ít chú trọng đến công tác phòng, ngừa cháy nổ và bảo vệ môi trường. Quan sát nhiều vựa ve chai nhỏ, chúng tôi thấy dây điện mắc chằng chịt. Trong khi đó, chủ vựa thường sử dụng bình hàn gió đá-ô xy và ga để cắt, phân loại phế liệu kim loại, nếu không cẩn thận, hoặc gặp sự cố kỹ thuật thì nguy cơ cháy nổ là rất cao.

Ghi nhận của phóng viên ngày 25-8 tại vựa ve chai số 21A Tiền Cảng (phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu), các loại giấy, bìa các-tông chất thành đống bên ngoài. Bên trong, các phế phẩm khác như vỏ chai nhựa, sắt, thép, nhôm... được phân loại đóng trong các bao lớn. Vựa ve chai này có diện tích khoảng 40m2, cả mái và vách đều bằng tôn mỏng. Dây điện mắc sơ sài, chằng chịt trong nhà. Không khí bên trong vựa rất ngột ngạt. Khi hỏi về các dụng cụ phòng cháy chữa cháy tại chỗ, chủ vựa ve chai này cho biết đã mua bình chữa cháy từ nhiều năm trước nhưng không biết còn sử dụng được hay không.

Còn ở vựa ve chai lớn nằm đối diện số 643/17 Bình Giã (phường Thắng Nhất), chúng tôi thấy rất nhiều loại phế liệu dễ cháy chất ngổn ngang bên trong. Vựa rộng hàng nghìn m2, nằm trên bãi đất trống, quanh khu dân cư đông đúc. Một người dân sống ở gần vựa này lo lắng: “Theo dõi trên ti vi trong thời gian gần đây, thấy xảy ra nhiều vụ cháy ở vựa ve chai nên tôi cảm thấy bất an. Hy vọng chủ vựa ve chai có biện pháp phòng cháy hiệu quả”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, các vựa ve chai nhỏ, lẻ nằm rải rác ở nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Vũng Tàu. Nhưng tập trung đông nhất là dọc các đường Bình Giã (trên Quốc lộ 51B), Lê Quang Định và Tiền Cảng (phường Thắng Nhất). Có những vựa ve chai lớn, hoạt động từ nhiều năm nay như Thanh Danh, Văn Hai (đường Bình Giã), Mười Hùng (đường Trần Anh Tông, phường Thắng Nhất) và Huấn Râu (đường Lê Quang Định). Một số vựa nhỏ không có giấy phép đăng ký kinh doanh - cam kết bảo vệ môi trường và PCCC. Các vựa thu mua phế phẩm từ những người đi lượm ve chai, người mua ve chai dạo rồi phân loại, bán cho những cơ sở phế liệu lớn. Cũng có không ít vựa sẵn sàng thu mua cả những phế liệu nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao như: bình ga, thùng sơn và thùng hóa chất. Khi thu mua về, chủ vựa ít vốn thì sẽ bán nhanh để xoay vòng vốn; còn người vốn nhiều thì chờ lúc giá lên cao mới bán. “Chính việc ôm hàng chờ giá nên nhiều chủ mạo hiểm chất đầy các loại vật liệu dễ cháy trong vựa”, một chủ vựa ve chai lớn ở đường 30-4 tiết lộ.

Có nên quy hoạch riêng?

Phường Thắng Nhất là nơi tập trung nhiều nhất vựa ve chai (30 vựa) của TP.Vũng Tàu. Theo bà Giang Phương Thảo, Phó Chủ tịch UBND phường Thắng Nhất, thời gian qua, ngoài việc chú trọng tuyên truyền, phường cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các chủ vựa chấp hành nghiêm quy định về PCCC. Công an phường cũng đã tham mưu cho UBND yêu cầu các hộ kinh doanh này chấp hành 3 nội dung: giấy phép kinh doanh - cam kết bảo vệ môi trường; không lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường và thực hiện các nguyên tắc PCCC. Nếu phát hiện vi phạm, phường sẽ phối hợp với các ban ngành liên quan xử lý theo quy định của pháp luật. “Về lâu dài nên chăng thành phố xây dựng quy hoạch riêng cho những cơ sở có khả năng gây cháy nổ như vựa ve chai và xưởng mộc tách ra khỏi khu dân cư. Cảnh sát PCCC nên xem xét việc đưa các cơ sở thu mua ve chai vào danh sách các điểm có nguy cơ cháy nổ cao để thường xuyên kiểm tra, giám sát”, bà Thảo đề xuất.

 

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

.