Người sau cai nghiện gian nan hoà nhập cộng đồng
Cập nhật lúc 17:06, Thứ tư, 02/04/2014 (GMT+7)
Những năm qua, công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma tuý nói chung, thay đổi nhận thức của cộng đồng về tránh phân biệt đối xử với người nghiện ma tuý và người sau cai nghiện ma tuý được thực hiện thường xuyên. (nghiện, tái nhập, cộng đồng)
Những năm qua, công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma tuý nói chung, thay đổi nhận thức của cộng đồng về tránh phân biệt đối xử với người nghiện ma tuý và người sau cai nghiện ma tuý được thực hiện thường xuyên.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hiện nay công tác hỗ trợ giới thiệu, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý đang gặp rất nhiều khó khăn.
Đối với bản thân những người sau cai nghiện ma tuý, để họ từ bỏ cám dỗ của ma tuý thật sự là một “cuộc chiến” dai dẳng vì môi trường xung quanh họ chưa "sạch" ma tuý nên nguy cơ tái nghiện rất cao. Họ rất cần sự quan tâm chia sẻ, động viên và thông cảm từ những người thân trong gia đình, cộng đồng và chính quyền địa phương.
Thế nhưng, những gì mà nhiều người sau cai nghiện nhận được khi tái hoà nhập cộng đồng là sự quay lưng của gia đình, sự thờ ơ, xa lánh của mọi người xung quanh.
Bên cạnh đó, đa phần người sau cai nghiện có trình độ văn hoá thấp, điều kiện sức khoẻ hạn chế. Việc dạy nghề cho học viên tại Trung tâm GDLĐXH thời gian qua chủ yếu tập trung vào sửa chữa điện dân dụng, may công nghiệp; truyền nghề mộc và kết lông mi.
Trong khi đó, ngành may công nghiệp và cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa phát triển, còn lĩnh vực điện dân dụng thì thợ lành nghề ngoài cộng đồng cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu.
Vì vậy, mặc dù được dạy nghề và truyền nghề nhưng người nghiện ma tuý sau khi tái hoà nhập cộng đồng vẫn rất khó tìm cho mình việc làm ổn định. Từ đó dẫn đến việc ai mướn gì hoặc gặp gì thì làm đó, thu nhập rất bấp bênh.
Mặt khác, người nghiện sau khi tái hoà nhập cộng đồng đa phần hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, rất cần hỗ trợ vốn để buôn bán nhỏ hoặc phát triền nghề mà họ đã được học.
Việc tiếp cận được với nguồn vốn vay đối với những đối tượng này là rất khó khăn do đặc thù về học vấn, nghề nghiệp, tình trạng sức khoẻ và đặc biệt là “mức độ tín nhiệm thấp”. Quá trình sàng lọc đối tượng vay vốn của các ngân hàng, tổ chức xã hội và cộng đồng đã tạo ra nhiều rào cản đối với các đối tượng có nhu cầu vay vốn.
Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 212/2006/QĐ-TTg về tín dụng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và doanh nghiệp sử dụng người lao động là người sau cai nghiện ma tuý và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng quy định miễn thuế thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp dành riêng cho người lao động là người tàn tật, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV.
Tuy nhiên, việc giới thiệu người sau cai nghiện vào làm việc trong các công ty, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do các công ty, doanh nghiệp ngại nhận những người có "lý lịch đen" vào làm việc.
Thiết nghĩ, để công tác hỗ trợ, giới thiệu, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, điều quan trọng nhất là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục thay đổi nhận thức của gia đình người nghiện và cộng đồng để gia đình, cộng đồng có cái nhìn tích cực và quan tâm hơn đối với người sau cai nghiện.
Trung tâm GDLĐXH cần liên kết với các cơ sở đào tạo nghề có chuyên môn để hình thành các nhóm nghề, nâng cao chất lượng dạy nghề cho học viên để khi tái hoà nhập cộng đồng họ có nhiều cơ hội lựa chọn công việc phù hợp.
UBND cấp xã và các đoàn thể cần quan tâm hơn nữa trong việc tạo điều kiện cho người sau cai nghiện tiếp cận các nguồn vốn vay chính sách, giới thiệu vào làm việc tại các doanh nghiệp. Các công ty, doanh nghiệp cần có cái nhìn tích cực hơn đối với người sau cai nghiện và tạo điều kiện cho họ vào làm việc.
Theo Báo Cà Mau
.