(BVPL) - Khởi đầu cho những công việc trong ngày xuân Giáp Ngọ, chúng tôi tìm gặp Đại tá Trần Minh Sơn, nguyên Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Biệt động Sài Gòn, người lãnh đạo, chỉ huy trưởng duy nhất còn sống hiện nay. Tiếp chúng tôi tại căn nhà trên đường Nguyễn Thông, Q3, TP.HCM, Đại tá mặc dù đã 87 tuổi xuân,  nhưng vẫn giữ phong thái và cốt cách của người chiến sỹ Biệt động thành.

 

 Đại tá Trần Minh Sơn - nguyên Tham mưu trưởng Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, người duy nhất còn sống của Đội Biệt động thành.
Đại tá Trần Minh Sơn - nguyên Tham mưu trưởng Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, người duy nhất còn sống của Đội Biệt động thành.


Được biết, ông là người đã từng có mặt ở nội thành trong cả hai chiến dịch Mậu Thân 1968 và đại thắng mùa xuân năm 1975. Mặc dù mấy mươi năm đã trôi qua, song với ông, những sự kiện của chiến dịch Mậu Thân 1968 vẫn hiện rõ trong tâm trí ông như những thước phim vô cùng sống động. Đại tá cho biết, khi ấy với vị trí là Tham mưu trưởng Biệt động Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, ông lên kế hoạch tấn công phá nát 8 mục tiêu: Đài phát thanh, Đài truyền hình, Dinh độc lập, Đại sứ quán Mỹ, Đội tổng tham mưu, Khám Chí Hoà, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát.

Tuy nhiên, Đại tá Trần Minh Sơn cho biết, đến giờ phút này, ông cũng không thể hiểu được quyết định của mình lúc bấy giờ sao lại sơ suất đến như vậy và ngược lại, ông vô cùng nể phục đồng chí Võ Văn Kiệt - Bí thư thành uỷ Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định lúc bấy giờ. Bí thư đã hỏi: “Tại sao lại không đánh Đại sứ quán Mỹ” khiến cho Tham mưu trưởng Trần Minh Sơn lúng túng, không biết trả lời thế nào. Ngay sau đó, Tổng tư lệnh, Tổng tham mưu quyết định bổ sung Đại sứ quán Mỹ là mục tiêu thứ 9.

Thế nhưng, sau khi chiến thắng và giành được 5 mục tiêu, còn lại 4 mục tiêu lớn nhất, quan trọng nhất là Khám chí hoà, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát và Đại sứ quán Mỹ thì lực lượng của ta đã suy yếu về nhân lực và đạn dược. Về phía cán bộ chỉ huy duy nhất chỉ còn lại một người là đồng chí Ngô Thanh Vân (tự Ba Đen), thế nhưng, nếu giao nhiệm vụ cho đồng chí Ba Đen, không may đồng chí bị địch bắt thì liệu có khai ra 14 kho súng đạn mà hiện nay đồng chí đang quản lý và phụ trách hay không? Tổ chức đặt nhiều câu hỏi. Tuy nhiên, đồng chí Trần Hải Phụng (Tư lệnh thành phố) đánh giá cao và tin tưởng tuyệt đối nên đã giao cho đồng chí Ngô Thanh Vân phụ trách “đánh”.

Ngay khi nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Ba Đen đã chỉ đạo cho các đồng chí, anh em đến lấy súng từ trong căn cứ rải đều trên các điểm đã được đánh dấu trên đường 22 từ An Tịnh (Trảng Bàng, Tây Ninh) đến Bầu Mây (Củ Chi); Đồng thời, đề xuất xin 200.000 USD nhằm mục đích “trám họng” quân địch và mua vũ khí, đạn dược. Mặc dù trong tình thế vô cùng khó khăn, nhưng  sau khi nghe đồng chí Hai Phụng báo cáo, Bí thư thành uỷ Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã nói rằng: “Không những đề nghị 200.000 chứ là Ba Đen đề nghị thì 500.000 tổ chức cũng phải lo”. Thế rồi, ngày 23 Tết, cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 được phát lệnh. Vị Đại tá xúc động cho biết: “Trong trận đánh này, các chiến sỹ cảm tử đã tấn công chiếm được mục tiêu một cách ngoạn mục, giữ vững trận địa tới giây phút cuối cùng và chết vinh quang, ghi danh bất tử cho thành phố thân yêu”.

Yên lặng một lúc, Đại tá Trần Minh Sơn cho biết thêm, sau khi cuộc tổng tiến kết thúc, ông vinh dự được tháp tùng đồng chí Nguyễn Văn Linh đi kiểm tra các mặt trận. Đồng chí đánh giá cao cuộc tổng tiến công và khẳng định, Biệt động Sài Gòn đã lập công đầu, tạo tiền đề cho các cuộc tổng tiến công sau này.

Trong khi cả nước chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam 30/4/1975 thống nhất đất nước, thì Đại tá Trần Minh Sơn có một nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng là chuẩn bị “dọn đường” cho quân chủ lực chuẩn bị tấn công, đồng thời, giữ vững những chiếc cầu, không cho địch phá hỏng. Cuộc chiến đấu anh hùng và sự hy sinh anh dũng của 53 chiến sĩ để giữ vững cầu Rạch Chiếc của Lữ đoàn 316 là mất mát không hề nhỏ đối với quân đội ta, Đại tá Trần Minh Sơn cho biết. Ngoài ra, lúc bấy giờ, một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là Đại tá phải đảm nhiệm việc chuẩn bị tất cả mọi vấn đề từ cơ cấu, bộ máy, nhân lực để tiếp quản thành phố. Theo Đại tá Trần Minh Sơn, tại thời điểm đó có một nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng là xây dựng bộ máy tổ chức và nhân lực cho các vị trí. “Dân khổ, dân vui, dân hạnh phúc hay không phụ thuộc rất lớn vào bộ máy này”, Đại tá Sơn vừa khẳng định vừa đọc một câu nói của một đồng đội đã hy sinh.

Khi được hỏi về người bạn chí cốt của mình, Đại tá Sơn lặng lẽ hồi tưởng và cho chúng tôi biết, trong tất cả bạn bè cùng trang lứa của ông, trong tất cả các đồng chí của ông, người gắn bó và thân thiết nhất với ông là Đại tá Trần Văn Thu, nguyên Tham mưu phó Quân khu Sài Gòn – Gia Định, vì 2 người không những cùng quê mà còn học cùng một lớp, cùng đi kháng chiến một ngày và cùng ước nguyện chiến đấu anh dũng dù ở cương vị nào. Sau này, hoà bình lập lại, Đại tá Sơn và Đại tá Thu đã có duyên và lại cùng được tổ chức phân công phụ trách Sài Gòn – Gia Định, Đại tá Sơn là Tham mưu trưởng còn Đại tá Thu cũng là Tham mưu phó. Sau này, người đứng ra tổ chức cưới vợ cho Đại tá Thu là Tham mưu trưởng Trần Minh Sơn vừa đại diện đơn vị, vừa đại diện gia đình. Mỉm cười, Đại tá Sơn cho biết ông rất hạnh phúc khi ở cương vị ấy.

Về cuộc sống riêng của mình, ông chia sẻ, trong một lần đi kiểm tra, vô tình ông gặp cô đội viên Nguyễn Thị Thủy. Sau này vì có ấn tượng với cô đội viên này nên ông cũng đã tìm hiểu và 2 người cũng đã kết duyên cùng nhau. Tuy nhiên, trong kháng chiến, mấy gia đình được đoàn viên, nhất là khi cả 2 người cùng tham gia chiến đấu. Rồi mỗi năm chỉ đôi lần gặp gỡ, ông vẫn miệt mài với vai trò Tham mưu trưởng biệt động Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, còn vợ ông vẫn hoàn thành xuất sắc vai trò là  y tá của đại đội Củ Chi.

Đại tá cho biết, về gia đình, ông mãn nguyện và hạnh phúc vô cùng vì hiện có 2 người con trai và 2 người con gái rất giỏi. Nhưng khi nói về việc công, ông buồn bã cho biết: sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, mặc dù chúng ta đã nhìn nhận và công nhận những đóng góp nhất định của lực lượng Biệt động Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong những thắng lợi của dân tộc, thế nhưng, từ đó đến nay, chúng ta chưa hề tổ chức một cuộc hội thảo, hội nghị nào để đánh giá, rút kinh nghiệm cũng như công nhận để tuyên truyền những gì mà đội Biệt động Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã làm. Thế hệ trẻ sẽ không thể biết đến một đội Biệt động Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định anh hùng như thế nào, có những ai và họ đã phải làm gì; tổ chức phân công và đánh giá như thế nào về họ…

Những lời tâm sự của Đại tá Trần Minh Sơn khiến chúng tôi chia tay ông ra về mà lòng còn ngổn ngang những cảm xúc khó tả. Trong số các đồng chí đã tham gia Biệt động Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định năm xưa, nay chỉ còn lại mình ông. Liệu rồi, tâm nguyện “muốn thế hệ trẻ biết về một đội Biệt động Sài Gòn đã từng có những trận đánh rúng động Sài Gòn và thế giới năm xưa” của ông có thành hiện thực?
 

Hoa Việt

.