(BVPL) - Một trong những sợ hãi của người dân khi tham gia giao thông chính là việc băng qua đường sắt để vào khu dân cư. Việc hiện đại hoá tuyến đường sắt Bắc- Nam đã được phê duyệt song hiện nay cầu vượt qua đường sắt vẫn còn quá ít.
 
Hỗn loạn vì cảnh… chạy qua đường sắt
 
Từ lâu, người dân dọc tuyến đường sắt Bắc- Nam đã quá quen thuộc với cảnh “chạy tàu” khi băng qua đường. Dường như mỗi lần băng qua đường chắn ngăng với đường sắt là người dân phải căng mắt ra quan sát rồi chạy thật nhanh. Song dù vậy vẫn không tránh nổi những vụ tai nạn thương tâm.
 
Dọc tuyến đường sắt Bắc – Nam đoạn qua địa phận tỉnh Thanh Hóa có chiều dài trên 100 km, vì vậy, việc lắp đặt các trạm gác, rào chắn, barie giữa đường sắt nối với các đường ngang dân sinh là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn Thanh Hóa, nhiều điểm giao nhau giữa đường sắt với các đường ngang dân sinh vẫn chưa có đèn tín hiệu, chưa có barie và không có nhân viên của đường sắt canh gác. Chính việc không có đèn tín hiệu, không nhân viên gác tàu, sự bất chấp nguy hiểm của người dân khi qua đường đã gây ra không ít vụ tai nạn đường sắt dẫn đến chết người. 
 
 Tàu hỏa đâm chết một người đàn ông băng qua đường.
Tàu hỏa đâm chết một người đàn ông băng qua đường.
 
Còn tại Nghệ An, người dân cũng chưa hết bàng hoàng với vụ một người đàn ông chở mẹ ra xe cấp cứu thì bị tàu hỏa tông tử vong tại chỗ. Sáng ngày 16/7 tại km 299 + 610 trên đường sắt thống nhất (thuộc địa bàn xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An), Phan Văn Hương (SN 1960) đưa mẹ mình ra đón xe ca vào Vinh nhập viện. Trên đường về thì bị tàu khách số hiệu NA3 (hành trình Hà Nội –Vinh) tông phải khiến cả người và xe máy bị tàu kéo lê khoảng 30 mét, ông Hương tử vong tại chỗ.
 
Theo anh Lê Ngọc Hưng – nhân viên gác tàu tại điểm thuộc xã Hoằng Phú cho biết: Tại các điểm giao nhau giữa đường sắt với các tuyến đường quốc lộ, đường ngang dân sinh nếu không lắp đặt đèn tín hiệu, barie, trạm gác sẽ rất nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông khi qua lại. Nhiều khi người dân thấy tàu đang đến gần, chúng tôi không cho qua nhưng cố tính vượt qua. Đôi khi người dân họ quá chủ quan, xem thường tài sản và tính mạng quá.  
 
Trước đó, cuối tháng 3-2015, tại địa phận thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa tàu khách SE7 chạy hướng Hà Nội - Sài Gòn đến địa phận xã Hoằng Kim, phát hiện một người băng qua đường ngang (có cảnh báo tự động) người lái tàu đã kéo còi và tiến hành phanh gấp nhưng vẫn không thể tránh khỏi va chạm. Vụ va chạm đã khiến cả người này tử vong tại chỗ. 
 
Một vụ tai nạn đường sắt khác xảy ra tại TP Hồ Chí Minh.
Một vụ tai nạn đường sắt khác xảy ra tại TP Hồ Chí Minh.
 
Ngay tại Thủ đô Hà Nội, cũng không ít vụ người dân băng qua đường sắt không để ý khiến tàu đi qua đâm chết tại chỗ. Có thể nói, tai nạn đường sắt không chỉ gây ra chết người và thương tật mà còn thiệt hại về vật chất và để lại hậu quả lâu dài cho gia đình, xã hội. 
 
Vì sao chậm xây cầu vượt dân sinh qua đường sắt?
 
Tại hội nghị sơ kết tình hình bảo đảm an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2015 diễn ra mới đây, tai nạn giao thông đường bộ giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, đáng chú ý tai nạn đường sắt gia tăng gần 40%. Cụ thể, 9 tháng đã xảy ra 179 vụ, làm chết 156 người, bị thương 48 người. So với cùng kỳ năm 2014 tăng đến 50 vụ, tăng 45 người chết, 17 người bị thương.  
 
Theo Luật Đường sắt, hành lang an toàn đường sắt được quy định chi tiết, từ các công trình dân sinh hai bên đường đến việc trồng cây xanh phải cách chân đường sắt ít nhất là 3m, đường sắt giao cắt với các đường ngang đi qua đô thị, khu dân cư đông đúc phải có các trạm gác, barie. Thế nhưng hành lang an toàn đường sắt liên tục bị xâm phạm. Nhiều nhà dân, các công trình ở những địa phương có đường sắt chạy qua tiếp tục vi phạm hành lang an toàn, có chỗ nhà dân chỉ cách chân đường sắt chưa đầy 2m. Thậm chí có nơi còn họp chợ trên đường sắt. Tại rất nhiều đường giao cắt với đường sắt, nhà dân vi phạm hành lang an toàn đã che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện, lại thêm sự chủ quan, không để ý của họ đã dẫn đến tai nạn thương tâm.  
 
Thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho thấy, cả nước hiện vẫn còn tồn tại khoảng 6.000 đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt, trong đó, khoảng 4.200 đường ngang dân sinh mở trái phép.  
 
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng cho rằng, 80% số vụ tai nạn đường sắt có nguyên nhân là sự bất cẩn của người điều khiển phương tiện: Chủ quan, không quan sát, cố tình vượt qua đường sắt dù biết tàu hỏa đang tới. Một nguyên nhân khác tuy là gián tiếp nhưng cũng góp phần gây ra tai nạn là mức xử phạt còn quá nhẹ, người cố tình qua đường khi có tín hiệu cấm chỉ bị xử phạt 50.000 đồng đến 60.000 đồng là không đủ sức răn đe. 
 
Trong tháng 9-2015 vừa qua, Cục Đường sắt tổ chức công bố những nội dung cơ bản quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt bắc - nam do Bộ GTVT phê duyệt; tổng mức đầu tư lên đến hơn 5 tỉ USD. Trong đó, sẽ nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện nay để đạt tiêu chuẩn Đường sắt quốc gia, đến năm 2020 là tốc độ bình quân tàu khách 80 - 90 km/giờ, tàu hàng 50 - 60 km/giờ; 14 - 16 triệu khách/năm; 5 - 6 triệu tấn hàng/năm; năng lực thông quan trên 25 đôi tàu/ngày đêm. Do đó, việc đảm bảo an toàn cho người dân đặt ra bức thiết hơn bao giờ.
 
Đức Thắng