(BVPL) - Do thiếu nơi vui chơi, giải trí nên không ít ngư dân trẻ ở các vùng biển hiện nay thường tìm đến các quán cà phê, karaoke, rượu, thậm chí cả gái mại dâm... để “xả hơi” sau những ngày đêm lênh đênh trên biển. Hệ quả là không ít người trong số họ đã vướng vào những vụ việc vi phạm pháp luật, những tệ nạn xã hội, thậm chí là mang về cả “án tử” không chỉ cho mình mà cho cả vợ con vì căn bệnh thế kỷ HIV/AISD…   
 

Có lẽ cho đến giờ, chắc hẳn nhiều ngư phủ ở vùng biển Hà Tiên (Kiên Giang) vẫn chưa quên được hình ảnh đám tang vợ một ngư phủ trẻ chết vì HIV/AIDS cánh đây gần 2 năm. Bên quan tài người vợ trẻ (mang bệnh do chồng truyền sang), người chồng không còn đủ sức để gào thét. Anh chỉ còn biết nén từng cơn xúc động: “Em đi rồi ai sẽ bảo bọc cho con. Những ngày qua, con nó nhớ em lắm, cứ khóc hoài đòi mẹ. Ngàn lần anh xin em tha tội...” Nhìn đứa trẻ ngây thơ và nghĩ đến ngày cha nó cũng sẽ chết vì căn bệnh thế kỷ, nhiều người vừa giận người cha, vừa không cầm được nước mắt xót thương cho đứa bé.

Theo báo cáo tham luận tại một hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức gần đây về tình hình lây nhiễm HIV/AIDS trong những người là ngư dân và làm nghề nuôi trồng thủy hải sản, thì ngư dân, đặc biệt là ngư dân trẻ thuộc một trong những đối tượng có khả năng bị lây nhiễm HIV/AIDS cao do đặc tính nghề nghiệp của họ là nay đây mai đó, khó quản lý. Thống kê của ngành Thủy sản cho biết, toàn ngành hiện có gần 6 triệu lao động thì trong đó có khoảng 33 nghìn người bị nhiễm HIV/AIDS và vẫn đang có chiều hướng tăng lên. Điều này cũng dễ hiểu vì nghề ngư thuộc diện lao động đơn giản, chỉ cần có sức khỏe có thể kiếm được nhiều tiền. Khi rủng rỉnh tiền trong túi, do sống xa nhà nên không ít ngư phủ đã rơi vào lối sống buông thả. Trong khi đó, việc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần trong lao động nghề biển nói chung, ngư dân trẻ nói riêng đang là vấn đề bức xúc.

Xuất phát từ thực trạng trên, thiết nghĩ, đối với lao động nghể biển cần thiết phải lập được các câu lạc bộ ngư phủ ở những nơi có nhiều tàu cá cặp bến để ngư phủ trẻ có điều kiện sinh hoạt sau mỗi chuyến ra khơi. Cùng với đó, các địa phương, trong đó có sự hợp sức của ngành văn hoá, thuỷ sản đầu tư xây dựng nơi vui chơi giải trí cho lực lượng lao động trên biển, góp phần xây dựng một lối sống lành mạnh cho ngư phủ. Vẫn biết việc chăm lo đời sống văn hoá tinh thần cho lực lượng lao động hành nghề ngư phủ không phải là chuyện đơn giản song không phải vì khó mà các địa phương “thả nổi” như hiện nay. Về phía các ngư dân trẻ, qua khảo sát, chúng tôi đã ghi nhận được nhiều tâm sự rất “thành thực” như ý kiến của Hồ Văn Lành, một ngư phủ trẻ nhà ở thị xã Rạch Giá: “Giá như có những buổi chiếu phim ở rạp hay những tụ điểm văn nghệ và nhiều câu lạc bộ thể dục thể thao dành cho ngư dân trẻ tại những nơi tàu cá cập bến thì tụi tui sẽ không có nhiều những đêm thâu vô độ với rượu như vậy. Biết là ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhưng nếu nằm trên tàu nhìn lên phố hoài thì cũng buồn chán lắm...”. Không biết ước muốn nhỏ nhoi ấy bao giờ đến được với ngư phủ?
 

 Long Bình

.