Đến với Điện Biên Phủ những ngày tháng 5 lịch sử, chiến trường xưa nay là một thành phố năng động, trẻ trung, động lực phát triển KT-XH cả vùng Tây Bắc. Các di tích Đồi A1, Độc Lập, Him Lam, hầm Đờ Cát… thu hút hàng trăm nghìn du khách đến với Điện Biên mỗi năm...
 


Đến Điện Biên, mỗi người chúng ta không chỉ được sống lại ký ức hào hùng của lịch sử mà mảnh đất này còn in đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Bắc. Cách TP Điện Biên Phủ khoảng 10km, bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên) vẫn giữ nếp sống đã bao đời nay của người Thái. Người dân sống trong những nếp nhà sàn truyền thống làm bằng gỗ, lợp mái ngói. Bản có hơn 100 hộ dân với trên 500 nhân khẩu, cùng với sản xuất nông nghiệp, người dân nơi đây còn phát triển nghề thủ công như dệt thổ cẩm. Ngoài nét đẹp dân dã của không gian, cảnh quan, người dân bản Mển thật nồng hậu, hiếu khách. Khi màn đêm buông xuống, họ lại cùng hòa vào điệu múa, lời ca, không chỉ là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà còn là cách giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống. ông Quàng Văn Thương, Trưởng bản chia sẻ, bản Mển đã nhiều năm được công nhận là bản văn hóa, cuộc sống người dân đã thay đổi rất nhiều, không phải lo cái đói, cái rét, nhưng quan trọng hơn, bản sắc văn hóa được lưu truyền bao nhiêu đời nay không bị mai một.

Tạo động lực xóa đói, giảm nghèo bền vững

Ngoài phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển KT-XH, một trong những việc trọng tâm của tỉnh Điện Biên hiện nay là công tác xóa đói, giảm nghèo. Với nhiều cố gắng, nỗ lực của địa phương cũng như sự hỗ trợ tích cực từ các cấp, các ngành, Điện Biên đã giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn hơn 47%, đến nay đã giảm xuống còn hơn 33%. Mặc dù vậy, tỷ lệ này vẫn ở mức cao so với nhiều địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, sau khi tách tỉnh, Điện Biên hiện có 8 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố, nhưng trong đó có 4 huyện nghèo nằm trong Chương trình 30a của Chính phủ. Điện Biên đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 20% từ nay đến năm 2015, mỗi năm giảm từ 5 đến 10% số hộ nghèo.

Được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước với nhiều chương trình xóa đói, giảm nghèo như Chương trình 30a, Chương trình 134, 135; phát triển cây cao su, cà phê… đã mang lại sự khởi sắc cho nhiều vùng quê còn nghèo khó của Điện Biên. Trong “cuộc chiến” chống lại đói nghèo ở Điện Biên, không thể không kể đến sự tham gia tích cực và hiệu quả của LLVT địa phương. Bộ CHQS tỉnh Điện Biên đã huy động những cán bộ có kinh nghiệm, được tập huấn, đào tạo, xuống trực tiếp giúp dân về kỹ thuật sản xuất. Các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh còn giúp chính quyền địa phương, nhân dân xây dựng nhiều hệ thống điện, đường, trường, trạm, nước thủy lợi, nước sinh hoạt, quy hoạch vùng sản xuất cũng như chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi để người dân ổn định cuộc sống.

Một trong những chương trình trọng điểm tỉnh Điện Biên đang triển khai đó là Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN huyện Mường Nhé theo Quyết định số 79/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó sẽ thành lập mới hơn 20 điểm bản, Bộ CHQS tỉnh được giao phụ trách 2 điểm bản. Chia sẻ về đề án này, Thiếu tướng Lưu Trọng Lư, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Điện Biên cho biết, mỗi điểm bản sẽ có 60 đến 100 hộ dân, tại đây người dân sẽ được hỗ trợ về cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Điện, đường, trường, trạm, hệ thống nước thủy lợi, nước sinh hoạt, ngoài ra còn hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi… Hiện nay, công tác khảo sát, lựa chọn địa điểm, phê duyệt dự án cơ bản đã hoàn thành. Bộ CHQS tỉnh còn cử cán bộ đến từng hộ gia đình để tuyên truyền về những chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi xây dựng điểm bản mới, từ đó người dân tự nguyện đăng ký vào các điểm bản này. Thiếu tướng Lưu Trọng Lư khẳng định: Sự đồng thuận của người dân là yếu tố quan trọng nhất trong công tác xóa đói, giảm nghèo, sắp xếp ổn định dân cư, khi họ đã nhận thức rõ lợi ích từ hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đồng lòng cùng các cấp chính quyền thì chính sách mới sẽ đi vào cuộc sống.

Lo cái ăn, cái mặc cho người dân, giúp họ cải thiện cuộc sống, an cư lạc nghiệp, không còn cảnh du canh, du cư cũng là điều kiện quan trọng để ổn định an ninh chính trị trên địa bàn. Chính vì vậy, LLVT tỉnh nói riêng cũng như toàn tỉnh Điện Biên nói chung luôn xác định phát triển KT-XH phải gắn liền với củng cố QP-AN. Chăm lo cho cuộc sống người dân cũng chính là yếu tố căn bản để vùng phên giậu của Tổ quốc luôn vững vàng.
 

Theo Quân đội nhân dân

.