(BVPL) - Lâu nay, nhắc đến mùa nước nổi là người ta nghĩ ngay đến miền Tây; thế nhưng tại miền Trung nắng gió, Quảng Bình vẫn có mùa nước nổi mang lại sản vật chim muông, tôm cá giúp bà con ấm no trong thời đông giá.
Sức hấp dẫn của thịt chuột ngày càng khiến nhiều người thèm thuồng và mơ tưởng đến khi vào mùa. Chuột trở thành món hàng hóa trao đổi, mua bán ở chợ hoặc bất cứ đâu. Tiền trong túi, chuột trên tay người săn, thích là cứ trả giá trao đổi. Chuột nhỏ bán 2.000-3.000 đồng một con, to hơn thì 4.000-5.000 đồng, tính ra cũng chỉ 20.000-30.000 đồng một cân chuột nguyên con ở chợ. Rẻ hơn thịt lợn, ăn lại lạ miệng nên nhiều người chọn mua chuột. Bán có tiền, nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn thường tranh thủ sau buổi học ra đồng săn chuột bán lấy tiền mua sách vở, đồ dùng học tập.
Sống nhờ nò
Nghề chính cho mùa nước nổi là thả nò đơm cá, tôm. Trong những ngày rong ruổi theo từng con nước lên xuống, tình cờ tôi gặp được bà Nguyễn Thị Toản (60 tuổi, ở thôn An Định, xã Hồng Thủy), người có thâm niên trong nghề thả nò. Vợ chồng bà lúc nào cũng xởi lởi, vui vẻ chân chất. Bà kể đã làm nghề này hơn 10 năm. Trong một lần đi nhà bà con ở một vùng khác chơi, thấy cách làm hay hay nên bà xin mấy cái về học làm theo. Lúc đó cá, tôm đầy đồng, con nước lớn nên chỉ cần một đêm thả nò là sáng mai phải gánh từng rổ về. Cá, tôm tươi ngon đem ra chợ bán từng nào hết từng đó, nhiều khi chưa kịp mang ra chợ đã bán sạch ở đầu ngõ. Tiền cứ thế thu về, một đêm vài trăm nghìn đồng, từng đó không phải là nhiều nhặn nhưng cũng không nhỏ so với điều kiện, hoàn cảnh trong vùng. Từ đó, cả nhà có nguồn vào nguồn ra, cuộc sống thay đổi hẳn; chẳng như ngày trước, lúc nào cũng lo đói kém khi cứ đến mùa mưa nước tràn ngập từ nhà ra đồng. Quanh vùng lại đất cát hút nước nên không thể trồng cây gì được.
Từ đó, mấy người con của bà Toản và hàng xóm cũng học làm theo. Bây giờ hai vợ chồng bà có hơn 50 cái nò, tính cả của con cái nữa thì nò nhà bà giăng khắp từ đồng gần đến đồng xa. Nhưng chuyện cũng không phải suôn sẻ hoàn toàn, nò mới làm ra cứ mỗi cái giá khoảng 30.000 đồng, ra cắm được một vài bữa lại bị mất trộm. Thành ra công làm nò coi như đổ sông đổ biển.
Rồi việc sử dụng thuốc mồi nhử tôm, cá và đánh bắt bằng xung điện khiến những người làm nò chân chính như bà Toản rơi vào cảnh túng thiếu. Bà Toản chép miệng lo lắng: “Hôm rồi, thằng con trai tui đi thả nò về nói thôi mạ ơi, bữa ni có thiếu cũng đừng mua tôm cá người lạ mà ăn. Con đi thấy họ có bỏ cái thuốc gì lạ lắm nhưng đam, tôm, cá cứ thế hút đến hết”. Chưa biết thuốc đó loại gì nhưng đó là cách làm đáng sợ.
Báo động hơn cả khi nạn đánh bắt bằng xung điện ngày càng kinh khủng. Nhiều ngày theo dõi, chúng tôi ghi nhận tình trạng trên không hề thuyên giảm mà ngược lại càng tăng. Giờ số người dùng xung điện liên kết lại với nhau, mỗi lần đi cả nhóm đông đến 10 người và tổ chức dàn hàng ngang càn quét từ vùng này sang vùng khác. Như thế, tôm, cá và bất cứ sinh vật gì cũng không thể chạy thoát dưới lưới điện dày đặc đó. Một cán bộ địa phương cho rằng rất khó để kiểm soát, quản lý cũng như xử lý với lý do nhân lực thiếu, địa bàn rộng, người rà lại dễ di chuyển từ xã này sang xã khác, huyện này sang huyện khác khi bị truy đuổi. Nhưng thực tế những lý do không hợp lý bởi sự thiếu kiên quyết, không triệt để, không phối kết hợp giữa các địa phương với nhau; hơn hết là qua nhiều ngày theo dõi, chúng tôi không hề thấy bóng dáng lực lượng chức năng làm việc.
Vĩ thanh
Người Quảng Bình hay nhắc câu Tháng 7 nước nhảy qua bờ, ý nói thời điểm đó trời bắt đầu trút nước xuống, nước lớn tràn qua các bờ đê, thửa ruộng nhanh đến độ dân gian tưởng tượng là nó nhảy vọt qua. Tháng 7 như cột mốc đánh dấu kết thúc mùa hè nắng chảy để bắt đầu bước sang mùa mưa bão. Nhưng thời tiết năm nay không tuân theo quy luật tự nhiên đó mà có sự khác biệt lạ lùng. Gần hết tháng 10 nhưng trên các cánh đồng chiêm trũng ở hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh vẫn cạn khô khiến người làm nghề đứng ngồi không yên. Chỉ có trận mưa lớn cuối tháng 9 rồi thôi, số nước này tràn lên đồng một thời gian ngắn cũng bốc hơi hết vì không có mưa tiếp ứng.
Nhìn những con đò dùng để đi thả nò trên đồng nằm bất động trên đống bùn xen cỏ dại, bà Toản thở dài: “Không lụt đã đành nhưng cũng không có mưa luôn, chưa năm mô lạ như năm ni. Có phải do biến đổi khí hậu không hả chú, tui hay nghe trên đài báo nói nhưng không hiểu mấy…”.
Cuối cùng trời không phụ lòng người, nước đã đầy đồng nhờ trận mưa cuối tháng 10, bà con thả nò, lưới vớt vát được đôi chút. Nhưng tâm tư của bà Toản vẫn không hề sai và thừa; đó là hồi chuông cho mỗi chúng ta.
Theo Thanh niên