(BVPL) - Theo quy định của UBND TP.Hà Nội, tại khu vực nội thành, phí trông giữ xe máy cao nhất là 3.000 đồng/lượt, thế nhưng, thực tế, ở không ít điểm nội thành, giá trông giữ xe cao hơn cả chục lần. Khu vực đền Ngọc Sơn, nếu đỗ xe quá giờ quy định còn bị phạt trung bình khoảng 1.000 đồng/phút...
Ngang nhiên “chặt chém”
Theo quy định được ban hành từ ngày 1/1/2012 của UBND TP.Hà Nội về việc thu phí trông giữ các phương tiện giao thông thì: Tại khu vực nội thành, phí trông giữ xe đạp ban ngày (6h – 18h) là 1.000 đồng/lượt, ban đêm (18h – 6h) là 2.000 đồng/lượt; phí trông giữ xe máy ban ngày là 2.000 đồng/lượt, ban đêm là 3.000 đồng/lượt.
Quy định đã rõ nhưng dường như tại khá nhiều tuyến đường, nhiều nhà xe vẫn làm lơ hoặc là không được biết. Đối với ô tô trong nội thành, phí trông giữ xe dao động từ 30.000 đồng – 50.000 đồng/lượt và tại khu vực ngoại thành, mức phí này giảm đi khoảng 1/3 .
Tại khu vực chợ đêm Hàng Đào, chợ đêm Đồng Xuân, giá vé trông giữ xe máy lên đến 30.000 đồng/lượt gây bức xúc cho rất nhiều người dân. Chị Thanh Ngọc (Hai Bà Trưng Hà Nội) kể: “Tôi làm nghề buôn bán, buổi tối chủ nhật nào tôi cũng phải qua chợ đêm Hàng Đào lấy hàng. Chợ đêm thì không được đi xe vào, phải gửi xe. Chưa biết lãi lời thế nào, hàng có lấy được không?. Cứ mất 30.000 (đồng) gửi xe cái đã. Thế mà đỗ xe hay cầm vé chậm chạp một tí là bị chủ trông xe quát mắng, hậm hực đấy nhưng cũng chẳng ai dám nói gì”.
Hay tại khu vực Đền Ngọc Sơn, khách gửi xe luôn nơm nớp lo sợ bị rơi vào tình trạng “phí chồng phí” vì nếu cứ đỗ xe quá giờ quy định là bị phạt thêm tiền, trung bình khoảng 1.000 đồng/phút.
Tại khu vực Xã Đàn, rất nhiều những biển tự chế ghi chữ “trông xe”, “nhận trông xe” được gắn dọc hai bên đường với mức giá chung là 10.000 đồng/lượt xe máy và 5.000 đồng/lượt xe đạp. Tại khu vực phố Quán Sứ, chợ Hàng Da và một số bãi trông giữ khác, mức phí này có mềm hơn một chút là 5.000 đồng/lượt xe máy và 3.000 đồng/lượt xe đạp. Ông Trần Văn Đạt (cựu chiến binh, Hoàn Kiếm, Hà Nội) thắc mắc: “Tôi thấy rất lạ là tại sao ở đây giá trông xe in trên vé là 2.000 đồng/lượt mà các anh ấy thu của tôi 5.000 đồng/lượt”.
Ở khu vực Chùa Hương trong ngày hội, mức phí trông giữ xe dao động từ 20.000 đồng và lên đến 40.000 đồng/lượt xe máy. Người ta còn “sáng tạo” thêm dịch vụ trông mũ bảo hiểm với giá từ 3.000 đồng đến 7.000 đồng/chiếc, như vậy nghĩa là khách hành hương đi xe máy đến khu vực này phải gửi xe bằng với giá gửi xe của ô tô trong nội thành.
Đó hẳn là những "chiêu trò" "chặt chém" của những bãi gửi xe tự phát tại cả nội thành và ngoại thành Hà Nội, gây thiệt hại và bức xúc cho người dân Thủ đô.
Trên cấm dưới phạt, luật chẳng thấm…
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong những năm qua và cả thời gian gần đây, mặc dù Thành phố Hà Nội đã tổ chức kiểm tra và xử lý sai phạm, thậm chí là ra văn bản cấm nhưng vẫn tồn tại rất nhiều những điểm trông giữ các phương tiện giao thông với giá “cắt cổ”.
Bà Nguyễn Thị Minh (một tổ trưởng dân phố) cho hay: “Công an phường tôi có phạt những cá nhân tổ chức trông xe theo kiểu tự phát nhưng không thể ngăn được họ, phạt họ hôm trước, hôm sau họ vẫn trông như bình thường. Nhà nước cấm thì tất nhiên là thiếu chỗ gửi xe nên họ càng được đà hét giá”.
Quy định thì luôn cần có nhưng phải đi kèm với tính khả thi và công tác quản lý của nó. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cứ phạt nhưng không quản lý, cũng không phổ biến luật thì người dân không thể biết, cũng không thể chấp hành. Kéo theo đó là những hệ lụy như: ách tắc giao thông, người dân coi thường pháp luật, mất mỹ quan đô thị… Nhưng điều đáng buồn nhất, vẫn là pháp luật bị “bỏ lửng” mà người dân thì thiệt hại kinh tế và không thể tìm lại được cho mình quyền lợi chính đáng.
Theo Pháp Luật Việt Nam