Ngày 7/12/2017, đại diện Công ty TNHH Thương mại Vĩnh Huy có trụ sở chính tại 194-196 Võ Liệu, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn đến xuất trình với Bộ đội Biên phòng Bình Định một hợp đồng mua bán giữa chủ tàu Fei Yue 9 và Công ty TNHH Thương mại Vĩnh Huy ký ngày 06/12/2017, hai bên thống nhất mua bán với giá 250.000 USD.

Việc Công ty TNHH Thương mại Vĩnh Huy mua tàu chìm đắm tại Bình Định, Việt Nam thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ lập phương án và tổ chức trục vớt tàu theo quy định và đến nay chưa thấy có văn bản nào xác nhận tư cách pháp nhân chủ sở hữu tàu Fei Yue 9 thuộc Công ty TNHH Thương mại Vĩnh Huy của cấp có thẩm quyền.

leftcenterrightdel
 Tàu Fei Yue 9, Quốc tịch Mông Cổ có 15 thuyền viên bị nạn tại vùng biển Quy Nhơn

Thực hiện Quyết định số 4219 ngày 08/11/2017 của UBND tỉnh Bình Định về việc ban hành Kế hoạch thực hiện công tác trục vớt, cứu hộ và ứng phó sự cố tràn dầu đối với các tàu bị nạn tại vùng biển Quy Nhơn do cơn bão số 12 gây ra, Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn được UBND tỉnh Bình Định giao là đơn vị trực tiếp phê duyệt kế hoạch trục vớt, cứu hộ của các tàu, giám sát mọi hoạt động trong quá trình trục vớt cứu hộ. Mặt khác, theo khoản 1, Điều 28, Nghị định số 05/2017 của Chính phủ, sau khi mua bán tàu bị nạn phải thực hiện các thủ tục xuất, nhập khẩu về thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, việc mua bán giữa chủ tàu Fei Yue 9 và Công ty TNHH Thương mại Vĩnh Huy lại không thông qua bất kỳ thủ tục nào, cũng không phù hợp với các nội dung đã quy định tại Nghị định số 114 ngày 26/11/2014 của Chính phủ về những đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng và Nghị định số 05/2017 ngày 16/01/2017 của Chính phủ về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam. Như vậy, hợp đồng mua bán giữa chủ tàu Fei Yue 9 và Công ty TNHH Thương mại Vĩnh Huy là trái quy định của pháp luật. Những nội dung này đã được ông Nguyễn Văn Thịnh- Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Định khẳng định với chúng tôi.

Biết việc mua bán giữa chủ tàu Fei Yue 9 và Công ty TNHH Thương mại Vĩnh Huy, Công ty TNHH Hoàng Nguyên Vũng Tàu có trụ sở tại 09 Hạ Long, phường 2, TP Vũng Tàu đã có văn bản số 08 ngày 8/12/2017 gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định về việc cứu hộ tàu Fei Yue 9. Trong văn bản, Công ty TNHH Hoàng Nguyên Vũng Tàu nêu rõ, chủ tàu đã nhận 100% giá trị bảo hiểm từ phía Công ty bảo hiểm Đông Hải, trách nhiệm thanh toán các khoản chi phí cứu hộ trục vớt tàu, các chi phí bảo vệ môi trường cho tàu Fei Yue 9 thuộc về Công ty bảo hiểm Đông Hải. Lợi dụng vấn đề này, chủ tàu đã tự ý ký hợp đồng bán tàu Fei Yue 9 cho doanh nghiệp địa phương và trục lợi số tiền bán tàu này sau khi nhận đủ số tiền bảo hiểm. UBND tỉnh Bình Định giao Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn phối hợp với Cục Hải quan Bình Định kiểm tra việc mua bán tàu Fei Yue 9, đề xuất việc xử lý theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, do tàu Fei Yue 9 có tải trọng 4.000 tấn bị nạn dạt vào ghềnh đá nên thời gian qua, nhiều đối tượng tự ý tháo dỡ thiết bị, máy móc, hút dầu bằng thiết bị thô sơ. Thượng tá Trương Duy Hải – Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Quy Nhơn cho biết: “Tàu Fei Yue 9 chưa hề có phương án tháo dỡ, cứu hộ, biện pháp an toàn và phương án xử lý sự cố môi trường, hoàn toàn dựa vào một bản hợp đồng kinh tế. Chúng tôi khẳng định không có sự “bảo kê” nào của lực lượng Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Quy Nhơn cho các đối tượng tự ý tháo dỡ thiết bị, máy móc, hút dầu trên tàu Fei Yue 9. Đồn đã bắt, lập biên bản xử lý một số đối tượng là người dân địa phương tháo trộm thiết bị, máy móc trên tàu và phân công lực lượng cán bộ trực suốt ngày đêm để bảo vệ tài sản tàu Fei Yue 9”.

Lê Bình