(BVPL) - Sinh năm 1952, với nhiều bài thuốc nam gia truyền, thầy thuốc Đào Quang Lam đã chữa bệnh, cứu người cho khắp bà con dân làng các huyện, thành phố thuộc tỉnh Đắk Lắk. Với tài chuẩn, trị bệnh hiệu quả và cái tâm luôn sáng, thương hiệu “Quách Lam Đường” lan rộng và nức tiếng khắp cả một vùng.
 
Một người lính dũng cảm, một lương y tận tụy 
 
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nghề bốc thuốc nam gia truyền ở mảnh đất Hiệp Hòa, Bắc Giang, Anh đến với nghề thuốc như một định mệnh. Tuổi thơ của anh gắn liền với mùi thuốc nam nồng nàn, những dụng cụ sao, chế, tẩm thuốc có tuổi đời cả trăm năm. Nếu không có chiến tranh thì có lẽ Đào Quang Lam đã trở thành một thầy thuốc đông y, nối nghiệp ông cha. Nhưng lớn lên trong thời chiến, sẵn lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc, Anh đã tạm gác lại việc học nghề thuốc, cầm súng tham gia cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Nhập ngũ năm 1970, vào chiến trường năm 1971 thuộc F305, rồi F316 ở B3. Ở bất kì đâu, bên cạnh tinh thần chiến đấu dũng cảm, anh luôn chú ý đến cây cỏ xung quanh, vận dụng kiến thức sẵn có của mình hái lá thuốc, chữa bệnh cho anh em đồng đội. Bước chân của anh đã qua bao nẻo đường trên mảnh đất Tây Nguyên lồng lộng nắng gío, sang cả nước bạn Campuchia, Lào. Những tấm huân chương, huy chương và hàng chục vết thương trên người đã minh chứng cho tinh thần dũng cảm, quên mình vì đất nước của anh. Có biết bao đồng đội của Anh hiện nay đã và đang đảm nhiệm những chức vụ quan trọng của đất nước nhưng mỗi lần gặp nhau đều đứng nghiêm chào thủ trưởng, chào người ân nhân đã cứu mạng họ. Dòng Srêpốc đã bao lần chứng kiến anh vừa bơi, vừa đỡ những đồng đội đang mê man với vết thương nặng, trong số đó có cả một vị tướng quân đội đương chức. 
 
Lương y Đào Quang Lam không chỉ nổi tiếng với những bài thuốc hiệu nghiệm mà còn là tấm lòng nhân ái
Lương y Đào Quang Lam không chỉ nổi tiếng với những bài thuốc hiệu nghiệm mà còn là tấm lòng nhân ái
 
Năm 1982, sau khi xuất ngũ về địa phương với quân hàm Thượng úy, anh lập gia đình, lo cuộc sống riêng trên quê hương Xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Năm 1984, do điều kiện quê hương khó có điều kiện làm ăn phát triển kinh tế, anh đã đưa gia đình vào Đắk Lắk làm ăn. Với bản chất “bộ đội cụ Hồ”, anh đầu tư cà phê, xen canh cây ngắn ngày, trồng thuốc nam để bốc thuốc chữa cho những bà con nghèo trên địa bàn khu dân cư nơi ông sinh sống. Thuốc của anh chỉ là những cỏ, cây, quanh vườn nhà nhưng lại rất có công hiệu đối với người bệnh. Tiền bạc anh không lấy, chỉ làm phúc, với cái tâm của người thầy thuốc. Tiếng tăm thầy Đào Quang Lam cũng nổi lên từ đó. Năm 1989, anh tạm gác việc xây dựng kinh tế thi vào Đại học Dược, khoa Đông y - Thành phố Hồ chí Minh và năm 2001 anh đã có tấm bằng Đại học Dược. Bắt đầu từ đây, anh chính thức mở phòng khám chữa bệnh Đông y. Phòng khám chuẩn tri Đông Y Quách Lam Đường tọa lạc tại Km8 QL 26 Tân Hòa Thành Phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk. Mỗi ngày, anh khám và bốc thuốc cho hàng chục người, đến từ khắp nơi trong tỉnh, nhiều khi còn chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo, thậm chí nuôi họ luôn, vì họ quá nghèo. Đặc biệt những CCB có hoàn cảnh khó khăn, hầu như anh giúp không.
 
Danh tiếng người thầy thuốc tài năng có tấm lòng cao cả đã dần vượt ra khỏi tỉnh, lan rộng trên nhiều miền tổ quốc, ra tận Thủ đô Hà Nội.
 
Nhận danh hiệu “Trái tim Việt nam” và vinh dự gặp mặt Chủ tịch nước
 
Hội liên hiệp các tổ chức Unesco (Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam) là một tổ chức xã hội, phi chính phủ, không vụ lợi , tập hợp rộng rãi các Câu lạc bộ UNESCO trên phạm vi quốc gia và các công dân Việt Nam tự nguyện tham gia, đóng góp vào các hoạt động vì các mục tiêu, lý tưởng của UNESCO đã được ghi nhận trong Công ước thành lập UNESCO”. “Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam có nhiệm vụ thúc đẩy việc truyền  bá các mục tiêu, chương trình hoạt động của UNESCO, thông tin kiến thức về khoa học, giáo dục, văn hoá và thông tin - là những lĩnh vực hoạt động của UNESCO, thông qua đó góp phần nâng cao dân trí, phát triển đất nước, tăng cường hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc, các quốc gia, bảo vệ hoà bình và an ninh thế giới”. Một trong hoạt động của Hội vào dịp đầu năm mới là vinh danh, trao tặng các giaỉ thưởng của Unesco cho các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho xã hội, phù hợp với tiêu chí của Hội. Một ngày cuối năm 2014, nhận được thông báo từ Hội liên hiệp các tổ chức Unesco, lương y Đào Quang Lam không khỏi phân vân. Anh nghĩ những gì mình làm được cho đồng bào, chiến sĩ các dân tộc Tây nguyên vẫn còn quá ít, chưa đúng với mong muốn của mình. Nhưng rồi, sự thực đã được chứng minh bằng các số liệu cụ thể mà Unesco đưa ra đã khiến Anh nhận ra rằng, Anh đã có đóng góp rất lớn cho Tây Nguyên.
 
Kỉ niệm về lần gặp chủ tịch nước luôn còn mãi trong Lương y Đào Quang Lam
Kỉ niệm về lần gặp chủ tịch nước luôn còn mãi trong Lương y Đào Quang Lam
 
Ngày 25/ 01/ 2015, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trong một không gian lắng đọng lịch sử ngàn năm của dân tộc, Anh đã cùng với 20 gương mặt tiêu biểu trên cả nước được vinh dự nhận Giải thưởng Trái tim Việt Nam. Đích thân Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên và Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Unesco Việt Nam ông Nguyễn Xuân Thắng đã trao tặng ông giải thưởng đầy vinh dự này trước sự chứng kiến của hàng ngàn đại biểu tham dự. Xúc động và tự hào hơn khi ông được Ban tổ chức thông báo, ông sẽ được gặp mặt, báo cáo thành tích với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào ngày 30/ 01/ 2015. Cả đêm trước đó, ông không thể nào ngon giấc, sáng sớm đã tỉnh dậy chuẩn bị kĩ càng bộ lễ phục quân đội và những tấm huy chương chờ đến giờ. Vào Phủ chủ tịch, mọi người đang ngóng ra cửa chính đợi Chủ tịch nước đến thì chợt tiếng chào của Chủ tịch đã vang căn phòng: “Chào các đồng chí”. Mọi việc đến với ông như một giấc mơ khiến ông quên mất cả việc báo cáo thành tích, chỉ cảm thấy một niềm vinh dự, tự hào được bắt tay, nói chuyện với Chủ tịch nước, một kỉ niệm thật khó phai với người cựu chiến binh dũng cảm, người lương y tận tụy này.
 
Anh tâm sự với tôi “Thầy thuốc là người nắm sinh mạng người khác trong tay, thấy người ta chết mình có khả năng mà không chữa thì mình là kẻ đồng lõa với bệnh còn gì”. Với anh, việc giúp người là thuận theo mệnh lệnh trái tim của người cựu chiến binh năm xưa, theo đạo lý làm người cũng như truyền thống dòng họ mình.
 
Sơn Tùng