Mua bán và lắp đặt dịch vụ truyền hình kỹ thuật số vệ tinh đang trở thành trào lưu sôi động nhưng cũng gây nhiều bức xúc trong người dân, đặc biệt là nông dân ở miền Tây Nam Bộ. Tình trạng loạn “chảo lậu” đang gây lãng phí tiền của cho không ít người.


Thực trạng mua bán, lắp đặt, sử dụng chảo lậu như hiện nay, tự nó đã cho thấy không ai quản lý… Nhưng trách nhiệm này là của ai? Sự bức xúc của những người trót mua và lắp đặt chảo lậu tăng cao trong khoảng vài tuần qua, khi mà hàng loạt chủ nhân chảo lậu đột nhiên bị mất hầu như toàn bộ tín hiệu các kênh truyền hình địa phương.

“Tôi mới mua bộ chảo này ở đại lý ngoài thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn chưa đầy tháng, tự dưng mất sạch không còn kênh nào. Đem ra đại lý khiếu nại họ nói là “chỉ bán thôi, không có trách nhiệm gì cả”, tôi làm ầm lên thì họ bảo “tại thời tiết, ai cũng vậy chứ có phải mình bà đâu, mà tôi có ký kết gì với bà đâu” – bà Nguyễn Thị Tập ở ấp Mỹ Thành, xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn, An Giang, kể.

Với sự phát triển rầm rộ của nhiều nhà đài cùng nhiều dịch vụ truyền hình, người ta dễ dàng nghĩ rằng truyền hình Việt Nam đang phát triển rất nhanh, rất triển vọng, rất đa dạng, phong phú… Nhưng thực tế số đông người dân, nhất là nông dân, ở vùng nông thôn hiện vẫn đang còn rất nhiều hạn chế trong việc tiếp cận với truyền hình hiện đại.

Tính ra nông dân vùng ĐBSCL (và ở nhiều vùng nông thôn, miền núi trên cả nước) đã và đang bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua chảo lậu. Khi quyết định lắp đặt loại thiết bị này, họ nghĩ rằng đang đầu tư cho một dịch vụ truyền hình hiện đại, hiệu quả và đúng đắn.

Thực tế thì không có một cơ sở pháp lý nào bảo đảm cho quyền lợi của họ, cũng chưa có một động thái nào từ phía ngành chức năng để giúp họ nhận thức và hiểu đúng, đầu tư hợp lý, hợp pháp và hợp với điều kiện kinh tế của nông dân.
 

Theo Dân Việt

.