Từ chỗ chỉ thể hiện sự “đẳng cấp” trong bar, vũ trường, nay tràn ngập cả nhà hàng, quán nhậu bình dân – thú chơi ngông hút shisha, loại thuốc lào có xuất xứ từ các nước Ả Rập đang trở thành trào lưu đáng báo động trong giới trẻ.
* Bài 1: Trào lưu “khát” shisha
Phóng khoáng sử dụng, tận hưởng cảm giác “phê” làn khói trắng, họ vung tiền triệu ôm chặt “mê hồn hương shisha” mỗi ngày thể hiện sự sành điệu, nhưng ít ai biết đằng sau sự “sang, chảnh” ấy tiềm ẩn những tác hại khôn lường. Lạc vào bến khát shisha, chúng tôi tận thấy những bến mê đang “đốt” đời giới trẻ...
Một điều thấy rõ, tại Việt Nam, loại thuốc này chưa có trong danh mục hàng cấm, nên việc buôn bán, sử dụng rất tràn lan, công khai, trở thành “mốt” của giới trẻ. Có chăng, chỉ là những bài nghiên cứu của các giới chuyên gia đánh giá, hút shisha rất độc hại và tiềm ẩn nhiều mầm bệnh. Chừng một năm trước, shisha chỉ có ở bar, vũ trường, nay thì xuất hiện nhan nhản ngoài xã hội. Nhà hàng, quán nhậu có; quán cà-phê, giải khát không phải là hiếm, có cung ắt có cầu. Nôm na, hút shisha là hình thức hút thuốc lá thông qua chiếc bình chứa nước như điếu bát thuốc lào. Khác ở chỗ, shisha xuất xứ từ các nước Trung Đông, Ả Rập và ra đời từ khoảng hơn 400 năm trước. Mùi vị được tẩm trong thuốc là những nguyên liệu, hương liệu gồm hương hoa quả, dầu bạc hà, cà-phê, socola nên rất hấp dẫn giới trẻ.
Trong quán nhậu S. ven biển đường Hoàng Sa cuối tháng 3, khách đông nghịt. Tôi “bốc” theo 2 nhỏ thanh niên ăn diện như dân chơi thứ thiệt lạc vào giữa sân chơi của các “cậu ấm”, “cô chiêu”. Thôi thì choáng! Nam thanh khỏi bàn, nữ tú cũng ôm chặt vòi shisha rít khí thế, cong môi nhả làn khói trắng tựa mây. Có cô bé bị sặc, môi run run, mặt tái nhợt. Nhóm bạn quanh bàn cười diễu cợt. Vài bé khác lên tiếng: “Mới vài lần đầu nên thế, vài bữa quen ngay làn “mê hồn hương” thôi!”. Kết lời, một nữ tú nâng vòi hút kéo một hơi dài êm ro, mắt nhắm lâng lâng. Quanh các bàn nhậu, nhân viên đua nhau tiếp thị khách đủ thứ hương vị shisha, nào bạc hà, cam, táo… Sau những cái gật đầu của khách, nhân viên bê nhanh nhảu những bộ bàn đèn thủy tinh đa gam màu cùng vòi để sử dụng shisha. Cậu nhân viên quảng cáo: “Hàng xịn đấy mấy anh chị, bảo đảm không sốc. Xài rồi chắc chắn lần sau anh chị không quên”.
Tôi gọi nhân viên hỏi bàn 3 người dùng bao nhiêu tiền? “Khoảng 300.000 đến 500.000, tuỳ hương vị anh ơi. Đắt hơn anh xài hàng chuẩn, trên dưới 1 triệu, đủ “phê” cả tiếng đồng hồ”-cậu nhân viên đáp. “Cho bàn 300.000, thử độ “phê” đến đâu rồi tính tiếp”. Nhanh như cắt, tay nhân viên bê ra bộ bàn đèn shisha màu cẩm thạch bắt mắt mời khách. Mồi bình bàn shisha nóng lên, than phát sáng đỏ au, cậu nhân viên mời chúng tôi nhập cuộc. Càng về khuya, quanh những bàn bên cạnh xuất hiện những tiếng gầm rú vì “phê”. Tiếng nhạc trong nhà hàng cũng đập inh tai, rung bắn lồng ngực. Hầu như những cuộc chuyện trò lọt tai chúng tôi đều là các nhóm thanh niên từng khá rành về thú chơi shisha. Họ bình luận vị thuốc, độ nặng nhẹ, mức độ phê rất lưu loát. Một bàn khác, người có tên mà bạn bè gọi luôn miệng gọi là Linh “cọt” khẳng định chắc nụi rằng, xài shisha vừa đẳng cấp vừa ít độc hại hơn so với hút thuốc lá điếu vì khói thuốc đã được lọc qua nước trong điếu bình? Có lẽ là tâm lý chung của giới trẻ, nên các cô cậu đua nhau thể hiện phong cách chơi “món khoái khẩu này”.
|
Nam thanh nữ tú đua đòi với trào lưu hút “mê hồn hương” shisha. |
Không chỉ thử vài lần, giới trẻ bây giờ hứng thú với shisha nên thành lập cả hội chơi, thậm chí lên mạng xã hội mời gọi kết nạp thành viên tham gia nhóm. Mỗi lúc rảnh, họ ới nhau, hùn tiền đến nhà hàng, quán bar bắn vài “bi” cho đã thèm. H., cậu sinh viên năm 2 trong lần gặp gỡ với chúng tôi mới đây khẳng định chắc nụi: Nói về trào lưu chơi shisha hiện nay, Đà Nẵng có cả vài trăm nhóm với đủ tầng lớp, lứa tuổi. Học sinh, sinh viên có. Thanh thiếu niên sống bụi đến cánh “cậu ấm, cô chiêu” gia đình giàu có càng nhiều. Có khác là họ chơi ở đâu, đẳng cấp thế nào mà thôi. Theo H., nếu như học sinh, sinh viên chơi mỗi lần 1 bình shisha 100-300.000 đồng dành cho 3-4 người thì cánh “cậu ấm, cô chiêu” sẵn sàng bỏ ra loại “đặc biệt” 500 đến trên dưới triệu đồng. Không gian thưởng thức của họ cũng không phải tầm là quán nhậu, cà-phê tầm thường mà là những nhà hàng, bar, vũ trường, karaoke sang trọng, có nhạc mạnh, đèn LED chiếu đan xen. Hơn 1 năm theo bạn bè sử dụng shisha, có lần H. còn biết có cậu bạn chung trường với mình tên S. vì muốn tăng cảm giác nên mỗi lần hút thuốc trộn thêm cả rượu, nước ngọt, rồi kết cục là hàng “đá”, nên khi bị CA phát hiện, kết quả thử test dương tính với ma túy nên gia đình phải đưa cậu đi cai nghiện tự nguyện. Sau lần ấy, H. chia tay nhóm luôn.
Ở vô số quán nhậu, nhà hàng, bar có kinh doanh mặt hàng shisha chúng tôi từng đến, qua tìm hiểu thì giá một bình shisha không hề rẻ, dao động từ 200.000 – 400.000 đồng/bình. Ngoài những “cậu ấm, cô chiêu” gia đình có điều kiện hoặc cánh đại gia thì đó là số tiền quá lớn so với những cô cậu học sinh, sinh viên mặt “búng ra sữa". Một câu hỏi đặt ra: Tiền ở đâu để các em sa bám vào “mê hồn hương” shisha? Đổi lại, những thú vui tiêu khiển vô bổ, có hại ấy không chỉ ngốn tiền núi mà còn dẫn đến việc học hành bị bỏ bê, thậm chí bạn bè nhìn với ánh mắt khác nếu có sự cố xảy ra liên quan đến ANTT. Vì trên thực tế, không ít các bạn trẻ thích đua đòi cuộc sống hưởng thụ, thử cái mới nghĩ rằng, chỉ là "thử cho biết", song khi quá buông thả mình khi thử cảm giác mạnh bằng cách trộn lẫn các loại thuốc cấm khác, ngã rẽ của họ hướng tới các TNXH là điều hiển nhiên.
Theo Đại tá Trần Phước Hương, Trưởng CAQ Hải Châu, trên thực tế, hơn 1 năm trở lại đây, lực lượng CA quận đã phát hiện khá nhiều vụ thanh thiếu niên trở thành con nghiện, dương tính với ma túy tổng hợp do quá trình sử dụng shisha có trộn lẫn cần sa, hàng “đá”. Chính do shisha không nằm trong danh mục cấm, khó xử lý, nên nhiều nhà hàng, quán bar lợi dụng điều này để câu khách sử dụng một thời gian rồi “tác hợp” shisha và ma túy lôi kéo thanh thiếu niên vào tròng dẫn đến nghiện lúc nào không hay...
Theo Báo Công An Đà Nẵng