Từ những mối quan hệ quen biết, có tài sản thế chấp, những tay cò tín dụng đen sẽ ra tay giải quyết hồ sơ giấy tờ nhanh chóng, giải ngân đúng thời điểm khách hàng thực sự cần. Nhưng người vay không thể lường trước được hậu quả.
|
Một tiệm cầm đồ ở quận Tân Bình, TP HCM (ảnh lớn) và 2 nạn nhân trong vụ vỡ nợ ở Lạng Sơn. ảnh: Gia huy-duy chiến. |
Ông Trịnh Thái Cùng, 51 tuổi, ở phường 2, quận Tân Bình, TPHCM bị ngã xe phải vào bệnh viện. Ông bà tuổi cao, hai con gái lấy chồng xa, bà đi bán vé số, ông chạy xe đưa hàng, không kiếm đâu ra tiền thuốc, viện phí. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Cúc, 52 tuổi phải vay nóng 40 triệu đồng. Khốn nỗi, khi vào viện cấp cứu, ông được phát hiện mắc bệnh phổi, dạ dày. Bà đi vay thêm lãi nóng 30 triệu đồng. Hai lần vay, tổng số tiền 70 triệu, lãi nóng 3% một ngày, vị chi mỗi tháng bà Cúc phải trả lãi 7,5 triệu đồng.
Ra viện, ông không còn sức đi làm, bà phải ở nhà chăm ông. Sau 11 tháng, số tiền ông bà nợ lên đến trên 130 triệu đồng và sau hai năm, ông bà bị siết nhà. Chủ nợ liên tục cho đầu gấu đến hăm dọa, ông bà buộc phải rời đi sớm nếu muốn an toàn tính mạng. Hiện tại, ông bà Cùng - Cúc sống trên chiếc thuyền nhỏ, ngược xuôi kênh Tẻ, lúc ra sông Sài Gòn. Ông Cùng than: “Giá mà tui chết trong tai nạn đó thì đâu đến nỗi khổ”.
|
Chị Hứa Thị Điểm, cháu bà Hứa Thị Loan, kể về chuyện chủ nợ thuê đầu gấu đến phá, ép hai bác cháu chị phải bàn giao nhà. Ảnh: Gia Huy. |
Cũng tại phường 2, quận Tân Bình, vài năm về trước, một người đàn ông tên Châu Minh Long (42 tuổi) đã thắt cổ tự tử tại căn nhà của mình vì tín dụng đen xiết nợ, buộc phải giao nhà. “Vì ham mê cờ bạc, vợ con không chịu được bỏ nhà đi. Nó ở nhà cầm nhà cho người ta lấy tiền đánh bạc rồi không có tiền trả, chủ nợ tới thu nhà mà vẫn không đủ tiền. Đường cùng, nó thắt cổ tự sát”, bà Lê Thị Phương, mẹ anh Long, kể lại.
Trong căn chòi ở góc chợ Tân Định, quận 1, mà người dân trong xóm dựng tạm cho ở, bà Hứa Thị Loan (70 tuổi) kể, bà không chồng con và sống với cô cháu con anh trai. Bố mẹ mất, để lại cho bà một ngôi nhà 80m2 bên hông chợ. Một người bạn của cháu gái bà tên Trần Thị Liễu làm tại trường Sân khấu điện ảnh TPHCM tới ngỏ ý thuê ngôi nhà mở công ty và hứa sẽ cho cháu bà làm nhân viên với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Sau một thời gian làm ăn, Liễu nói bà cho mượn giấy tờ nhà để đăng ký giấy phép kinh doanh gì đó.
Sau một năm, dân cho vay nặng lãi tới yêu cầu thu nhà và cho biết Liễu đã cầm nhà bà cho họ. Kết quả, bà cháu đành chịu mất nhà và phải ra góc chợ ở.
Luật sư Phạm Ngọc Lâm - Cty Luật Công Anh (quận Tân Bình) nói: “Cho vay lãi cao rồi xiết nhà từ trước tới giờ được coi là xã hội đen. Nếu thấy người vay không có khả năng trả nợ thì họ sẽ o ép và dụ dỗ tiếp tục vay thêm tiền rồi thu trắng vật thế chấp với mức rẻ mạt”.
Từng tranh tụng, tư vấn cho nhiều thân chủ dính phải tín dụng đen và mất nhà, luật sư Lâm cho biết thêm: “Những người cho vay lãi suất cao thường chuẩn bị các phương án như định giá tài sản thế chấp rất thấp, luôn đưa ra những dụ dỗ mà người vay cả tin ký vào, tuy nhiên khi họ lấy lãi thì không để lại chứng tích, bút tích nào hết”.
Theo Gia Huy
Tiền Phong