Bỗng một ngày, các thương lái đổ xô về xã Cấn Hữu (Quốc Oai, Hà Nội) tranh giành nhau thu mua ốc bươu vàng. Không chỉ ở địa phương này mà nhiều nơi khác cũng đã từng có hiện tượng này. Đây là sự việc chưa từng có tiền lệ.
 
Đây là hiện tượng "lạ" này. Một "thế giới ngầm" quanh câu chuyện ốc bươu vàng đầy sự cạnh tranh, thậm chí nhiều khi họ phải đổi bằng máu và nước mắt. Tiền kiếm được không ít nhưng những cái giá người dân phải trả cũng không hề nhỏ. Đã xuất hiện hiện tượng thu mua, ngấm ngầm nhân giống ốc bươu vàng vì chút lợi trước mắt, đằng sau nó là cả những hệ lụy mà tác hại chưa thể lường hết. Từ số Người Đưa Tin 120, chúng tôi sẽ khởi đăng loạt bài: "Thế giới ngầm" sau "cuộc chiến" thu mua ốc bươu vàng xuất ngoại.
 
Một miếng mồi ngon chắc chắn sẽ khiến nhiều kẻ nhảy vào "dây máu ăn phần". Trường hợp thu mua ốc bươu vàng ở xã Cấn Hữu cũng không phải ngoại lệ. Khi cơn sốt thu mua loài động vật này lên đến đỉnh điểm, nhiều đầu nậu bắt đầu nhảy vào cuộc chiến. "Thương trường là chiến trường", chỉ vì tranh lãnh địa, giành mối hàng mà họ đã thuê dân "xã hội" dằn mặt, ép nhau bật xới. Sự việc nghiêm trọng này xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật khiến nhiều người dân kinh hồn bạt vía. Tuy nhiên, cơn sốt thu mua ốc bươu vàng đến thời điểm này vẫn như "đĩa mật ngọt" và bao kẻ vẫn coi đó là một cơ hội lớn mà ông trời ban tặng để... làm giàu.
 
Triền đê Cấn Thượng trở thành chỗ đổ vỏ và phụ phẩm ốc bươu vàng.
Triền đê Cấn Thượng trở thành chỗ đổ vỏ và phụ phẩm ốc bươu vàng.
 
Tranh giành "lãnh địa"
 
Chúng tôi về xã Cấn Hữu vào một ngày trời se lạnh. Phải hỏi thăm rất nhiều lần, PV mới tìm đến được thôn Cấn Thượng. Gần hai năm qua, nơi đây được xem là "trạm trung chuyển" ốc bươu vàng khổng lồ trước khi các thương lái đưa ra Móng Cái (Quảng Ninh) rồi xuất sang Trung Quốc. Thời tiết mùa thu cộng với miền Bắc đang bị bao trùm bởi đợt không khí lạnh khiến ngôi làng này đìu hiu đến cô quạnh. Theo quan sát của PV, mặc dù chỉ cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 30km nhưng nơi đây vẫn giữ được những nét truyền thống cổ xưa. Đó là những ngôi nhà cấp bốn được xây nối tiếp nhau bằng đá ong. Tuy trong làng đìu hiu, cô quạnh là vậy nhưng khung cảnh ngoài đồng lại ồn ào đến lạ thường. Hàng trăm người đang xới tung từng thửa ruộng lúa đang đến mùa thu hoạch để săn tìm ốc bươu vàng. Theo những người dân nơi đây, thời điểm này, ban ngày ở trong làng chỉ còn người già và trẻ con. Bởi người lớn đã ra đồng và lặn lội đến các tỉnh khác "săn" ốc.
 
Thời gian gần đây, người dân huyện Quốc Oai rỉ tai nhau câu chuyện các đầu nậu trong xã dùng bạo lực để tranh giành lãnh địa. Sau khi đến xã Cấn Hữu để xác minh, chúng tôi mới biết thông tin này là sự thực. Nói chuyện với PV, bác N.V.H. (người dân thôn Cấn Thượng) kể lại: "Hai năm trước, ở xã chỉ có một người đàn bà từ nơi khác đến đây làm dâu bỏ tiền ra gom ốc từ người dân rồi mang ra Móng Cái. Tuy nhiên, thấy công việc này đem lại lợi nhuận lớn, có một người đàn ông tên Dũng ở Chương Mỹ lên đây đặt hàng. Để tạo sự tin tưởng cho người dân, anh Dũng thuê anh Hùng (thôn Cấn Thượng) thu mua giúp. Cứ buổi chiều, họ lại mang thùng xốp ra đầu làng thu mua ốc rồi ướp đá chuyển lên xe ô tô chở đi. Có ngày cao điểm, họ phải chở mấy ô tô mới hết hàng. Đúng là miếng mồi ngon hút lắm kẻ bon chen. Đầu tháng 7, thêm một người trong xã tên Đ. cũng đứng ra thu mua ốc. Để phô trương thanh thế và cảnh báo "đối thủ", người này đã cho người đánh dằn mặt anh Dũng".
 
Theo lời bác H., trước khi xảy ra vụ tranh khách kiểu côn đồ, chiều nào cũng có đám thanh niên, mặt mũi bặm trợn, tóc xanh, đỏ đến lán thu mua của anh Dũng gây sự. Chúng chửi bới rồi uy hiếp người dân bán ốc khiến họ kinh hồn bạt vía. Tuy nhiên, sau thời gian "cảnh báo" không được, ngày 20/8, khi anh Hùng và anh Dũng đang tổ chức mua ốc của người dân ở đầu làng thì bị các đối tượng dùng gậy hành hung rồi đánh đến nhập viện. Sau lần đó, để yên thân, anh Dũng và Hùng phải nghỉ thu mua cả tuần trời. Lợi dụng cơ hội đó, đầu nậu tên Đ. đã ép giá từ 23.000 đồng xuống 19.000 đồng/kg ốc. "Sau lần họ hành xử kiểu côn đồ ấy, chúng tôi cảm thấy vô cùng bất an và hoảng sợ. Nhiều người đã quyết định không đi bắt ốc bán cho anh Dũng nữa vì sợ vạ lây. Tuy nhiên, vì nguồn lợi lớn nên cả làng lại đi bắt ốc để bán. Sau khi sự có mặt của cơ quan công an, việc tranh giành lãnh địa thu mua ốc của họ mới dịu lại. Đến bây giờ, anh Dũng và anh Hùng vẫn tiếp tục thu mua", bác H. cho biết.
 
Sau khi nói chuyện với bác H., chúng tôi đã tìm đến nhà anh Hùng để tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, hàng xóm của anh Hùng cho biết, anh đã đi vắng từ sáng sớm, phải đến 5-6h chiều mới về. Người này cho biết, tận mắt chứng kiến anh Dũng bị đánh. Tuy nhiên, vì sợ xã hội đen trả thù nên người này không tiết lộ thông tin với PV.
 
Ông Lê Đình Ly, Trưởng thôn Cấn Thượng (người ngồi bên phải).
Ông Lê Đình Ly, Trưởng thôn Cấn Thượng (người ngồi bên phải).
 
Đổi đời?
 
Theo tìm hiểu của PV, từ khi cơn sốt ốc bươu vàng xuất hiện,  không ít người dân xã Cấn Hữu đã phát tài nhờ sinh vật này. Đến nay, câu chuyện mà người dân nơi đây thường nói với nhau chỉ xoay quanh việc kiếm tiền từ ốc. Thậm chí, có gia đình bỏ ruộng, không cấy hái cày nữa, đi khắp nơi để săn tìm ốc bươu vàng. Trao đổi với PV, ông Lê Đình Ly, Trưởng thôn Cấn Thượng cho biết: "Nhờ vào ốc bươu vàng mà nhiều nhà trở nên khá giả. Thậm chí, trước đây có một số gia đình khó khăn, đến việc nộp học phí cho con cũng khó khăn thì giờ đây đã có tiền mua xe máy, sắm sửa đồ đạc có giá trị. Việc bắt ốc vừa giúp bảo vệ mùa màng vừa tăng thêm thu nhập. Chưa bao giờ cơ hội kiếm tiền của người dân Cấn Hữu lại dễ dàng đến vậy".
 
Cũng theo ông Ly, thời gian qua, do nguồn ốc bươu vàng đã dần hết ở địa phương nên nhiều người dân trong xã chuyển sang "đánh bắt xa bờ". Từ 3h sáng, những người phụ nữ đã ì ạch trên xe máy đến các tỉnh khác kiếm tiền. Khoảng 10h sáng, chiếc xe cà tàng chở mấy bao tải ốc bươu vàng chạy ầm ầm về làng. Sau đó, người ta bắt đầu công đoạn chế biến cho kịp giờ đầu nậu thu mua. "Có gia đình từ trước đến nay kiếm được cả gần trăm triệu đồng tiền bán ốc bươu vàng. Đây là số tiền mà những người nông dân có nằm mơ cũng chẳng bao giờ thấy. Thực sự, đó là sự đổi đời. Tuy nhiên, mặc dù thấy người dân hồ hởi với số tiền khổng lồ nhưng tôi vẫn luôn trăn trở, không hiểu thương lái Trung Quốc thu mua ốc để làm gì", ông Ly đặt câu hỏi.
 
Cơ quan chức năng từng vào cuộc
 
Để thẩm định thông tin này, PV đã có buổi làm việc với ông Dương Quyết Thắng, Phó trưởng công an xã Cấn Hữu, ông khẳng định có sự việc này. Theo ông Thắng, sau khi sự việc này xảy ra, công an xã đã có mặt tại hiện trường. Vị phó trưởng công an xã cũng thừa nhận, việc các đầu nậu sử dụng xã hội đen để đánh dằn mặt nhau là do tranh giành thu mua ốc. "Nhận định đây là sự việc tương đối nghiêm trọng, sau khi hoàn tất hồ sơ, chúng tôi đã chuyển lên cơ quan công an huyện Quốc Oai xử lý. Đến thời điểm này, anh Dũng và anh Hùng đã thu mua trở lại. Chỗ anh Hùng mua ốc cách ủy ban xã không xa. Nếu muốn tìm hiểu thông tin, các anh có thể ra gặp anh Hùng", ông Thắng nói.       

 

Theo Nguoiduatin.vn
 
Kỳ 2: Cuộc gặp đầu nậu và sự thật về lần viếng thăm của thương lái nước ngoài
.