(BVPL) - Chùa Hương được biết đến là một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, ngôi đền thờ thần và những ngôi đình thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Cùng với đó là phong cảnh thiên nhiên đẹp với điểm nhấn là suối Yến trải dài 4km dẫn vào các đền, chùa và “Nam thiên đệ nhất động” - động Hương Tích. Tuy nhiên, dù tình hình an ninh trật tự đã được cải thiện, song năm nay, du khách về đây trẩy hội đông nên những hạn chế, tiêu cực vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn.
Trong đó, nếu khách tuân theo chỉ dẫn của “cò” nhà đò hoặc của đò thì phí gửi xe con sẽ là 40.000 đồng, do cò trực tiếp đứng thu (vào một bãi trông xe của một nhà hàng nào đó mà nhà đò đã liên kết). Nếu khách yêu cầu chủ nhà hàng xác nhận việc đã giao tiền trông xe thì khi kết thúc chuyến hành trình trở ra (nhà đò biến mất) thì khách lại bị chủ bãi xe thu tiền trông xe một lần nữa.
Đặc biệt, cách Chùa Hương chừng vài km đã xuất hiện những cánh tay vẫy mời khách gửi xe của các hộ dân hai bên đường. Nhìn những ông già, thanh niên tay phải đeo băng đỏ, cầm gậy chỉ đường, tay trái cầm còi du khách rất dễ nhầm đó là người của Ban tổ chức…
Một dịch vụ thứ 2 mà du khách thập phương bắt buộc phải sử dụng để tới Chùa Hương đó là đò để được đi trên dòng suối Yến thơ mộng. Thông thường chủ đò, cò của nhà thường chèo kéo, mời gọi từ đoạn đường trước khi vào suối Yến cả 10km. Hiện tượng tranh giành khách diễn ra phổ biến ở khu vực bãi để xe và nơi mua vé của khu di tích Hương Sơn. Ngay cả khi du khách có trong tay vé đò (85.000 đồng/người) thì du khách vẫn không thể bước lên đò khi chưa có sự thỏa thuận với các chủ lái đò. Nếu muốn ngồi đò, phải chi thêm cho người lái đò số tiền từ 40.000 đồng hoặc cao hơn. Cá biệt ngày mùng 1 Tết vừa qua có nhóm 2 du khách đi vãn cảnh chùa đầu năm được chủ đò đề nghị: “Thông cảm, hôm nay ít khách, xin các bác mừng tuổi mỗi người 500.000 đồng...”.
Thắc mắc về việc Ban tổ chức đã bán vé đi đò nhưng vẫn phải mất tiền thương lượng với chủ lái, chúng tôi tìm đến quầy bán vé lễ hội Chùa Hương hỏi thì nhân viên bán vé cho biết: “Theo quy định, khi du khách mua vé tham quan và vé đò của Ban tổ chức lễ hội rồi thì không phải trả bất kỳ khoản tiền dịch vụ đò nào nữa. Tuy nhiên, bao đời nay ở đây, khi đi đò vào chùa, du khách sẽ phải thương lượng với người lái đò, nếu thấy hợp lý và ưng thì người lái đò sẽ chở. Đây là luật bất thành văn ở Chùa Hương”.
Mặc dù tiếng loa của Ban tổ chức lễ hội vẫn sa xả điệp khúc: các đò xuất bến phải có lệnh xuất bến, nhân viên lái đò và người phục vụ của Ban tổ chức lễ hội phải đeo thẻ. Tuy nhiên, khi chúng tôi nhìn quanh trên dòng suối Yến, tuyệt nhiên không thấy một nhân viên lái đò nào đeo thẻ. Năm nay, Ban tổ chức cũng từng khẳng định với các cơ quan báo chí là sẽ không còn cảnh bán thịt thú rừng công khai nữa, nhưng ngay tại bến Thiên Trù, cảnh thịt thú rừng như: nai, hoẵng, cầy hương, nhím rừng được bày bàn vào tới tận trong sân Thiên Trù.
Năm nay, dù tình hình an ninh trật tự đã được cải thiện khá rõ song tình trạng trộm cắp, móc túi vẫn xảy ra. Do việc chen lấn, xô đẩy quá mức nhiều du khách phải vượt qua các dãy bờ tường ra ngoài tạo ra cảnh tượng hỗn loạn, nhốn nháo tại chùa Thiên Trù.
Chưa hết, tại khu vực ga cáp treo xuất hiện nhiều cò chào mời du khách trảy hội mua vé đi cáp treo. Giá vé khứ hồi niêm yết của Công ty vận tải du lịch Hương Sơn cho một du khách đi cáp treo là 140.000 đồng, thì sẽ được cò rao bán với giá từ 150.000 – 160.000 đồng. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sở dĩ có tình trạng cò vé cáp treo là do việc xếp hàng mua vé mất khá nhiều thời gian. Cũng qua khảo sát, những cò vé này ngang nhiên xuất hiện trước khu vực ga cáp treo với nhiều tập vé trên tay, ra sức chèo kéo du khách nhưng không hề bị lực lượng chức năng xử lý.
Để có một chuyến hành hương về với đất Phật Chùa Hương an toàn và ý nghĩa, du khách cần trang bị cho mình những “kỹ năng” cần thiết, để tránh những phiền phức có thể xảy ra. Và hơn hết, cũng từ thực tế này, mỗi du khách sẽ có ý thức để làm nên một mùa lễ hội nghiêm minh và văn hóa.
Xuân Hồng