(BVPL) - Lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực cho trẻ em và nhóm nguy cơ tại Việt Nam, nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho hơn 36 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, 7,1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam là nội dung cuộc hội thảo “Lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực cho trẻ em và nhóm nguy cơ tại Việt Nam” vừa được Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT), các cơ quan Liên hiệp quốc (LHQ) tại Việt Nam tổ chức.

 


Theo Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đang xây dựng Khung hành động quốc gia không còn nạn đói giai đoạn 2015-2025. Khung hành động được lồng ghép vào các chiến lược, chương trình quốc gia về dinh dưỡng, tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, tái cơ cấu nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Dự án “Lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực cho trẻ em và nhóm nguy cơ tại Việt Nam” do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ với tổng kinh phí 1,5 triệu USD thông qua Quỹ phát triển bền vững, triển khai trong 2 năm (2015-2016), tại 2 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ trẻ em thấp còi cao là Lào Cai, Ninh Thuận.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng: Những hỗ trợ của Dự án này sẽ góp phần thiết thực vào việc cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em Việt Nam, góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là việc đảm bảo duy trì bền vững các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, hướng tới thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững mà LHQ vừa thông qua.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, nhiệm vụ của Bộ NN&PTNT trong chương trình hành động là thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, tăng thu nhập cho người sản xuất nhỏ và nông dân. Bộ cũng sẽ đưa ra các chính sách và tổ chức để hình thành các giải pháp sản xuất nông nghiệp bền vững, thích nghi cao, sử dụng dịch vụ môi trường để tái đầu tư phục hồi và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, khuyến khích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Việt Nam đã đưa ra một số chính sách quốc gia nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và an ninh lương thực trong cả nước, trong đó có Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược Quốc gia về An ninh lương thực đến năm 2030 với mục đích tăng cường can thiệp nhằm cải thiện tình hình dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ nhỏ để giảm tỷ lệ trẻ thấp còi. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu của Quốc gia cũng như các mục tiêu thiên niên kỷ, Việt Nam rất cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị cũng như sự hỗ trợ của các nguồn lực quốc tế.
 

Mai Hòa

.