Mấy năm gần đây, nhu cầu chăm sóc răng miệng của người dân trở nên phổ biến. Cả nước nói chung và An Giang nói riêng, xuất hiện hàng loạt cơ sở nha khoa tư nhân. Đằng sau những lời quảng cáo hoa mỹ, mặt bằng hào nhoáng của các cơ sở ấy là gì?


Bác sĩ Nguyễn Văn Sử, Trưởng phòng Y tế TP. Long Xuyên phân tích: “Chuyện mỗi phòng khám nha khoa có giá và chất lượng khác nhau không phải là hiếm. Vật tư dùng trong nha khoa rất đa dạng và chỉ có người trong nghề mới biết nên bệnh nhân hoàn toàn không đánh giá được thật, giả. Giá cả và chất lượng trong dịch vụ nha khoa còn tùy thuộc vào thương hiệu của từng phòng khám. Mặt khác, không có quy định cụ thể từng mức giá dịch vụ, mà mức giá các cơ sở tự niêm yết, tự chịu trách nhiệm. Nếu họ buộc khách hàng trả cao hơn mức niêm yết thì sẽ bị xử phạt. Còn ngược lại, bằng hoặc thấp hơn thì được cho phép”.

Một thực trạng khác cần nhắc đến là sự cạnh tranh rất khốc liệt giữa các cơ sở nha khoa tư nhân, đặc biệt là giữa phòng khám nha khoa và cơ sở nha công. Các cơ sở nha công chỉ có thể cung cấp dịch vụ trồng răng giả, chứ không được phép nhổ răng hoặc dịch vụ nào khác. Nhưng trên thực tế, họ sẵn sàng “lấn sân” để thu hút khách hàng, bất chấp hậu quả có thể xảy ra, kể cả quảng cáo “một tấc đến trời”.

Cơ sở T.H (phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) đã “sáng tạo” một kiểu quảng cáo rẻ tiền, mang tính cạnh tranh cao bằng việc cho in… tờ rơi, với nội dung cực kỳ hấp dẫn: “Việc làm chu đáo kết hợp y học kỹ thuật gia truyền, dụng cụ tối tân hiện đại và khoa học, hợp chất cơ cấu bền đẹp, phục vụ quý khách hài lòng. Độ nén ma sát, hệ số nhai đúng tiêu chuẩn USA, trên 30 năm kinh nghiệm, phục vụ tận tâm. Dụng cụ được tiệt trùng bằng Autoclave, khử trùng bằng tủ hấp tia cực tím, đúng tiêu chuẩn của Hiệp hội Nha khoa Quốc tế”.

Khi đoàn kiểm tra chuyên ngành đến cơ sở, chủ cơ sở khẳng định tay nghề đã có từ trước năm 1975. Tuy nhiên, hiện cơ sở vẫn chưa đáp ứng các thủ tục cần thiết, đang bị buộc ngừng hoạt động.

Theo quy định, khi muốn mở phòng khám nha khoa tư nhân, bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt phải có thâm niên ít nhất 54 tháng tại cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, đa số họ đều tham gia làm việc trong bệnh viện công lập Nhà nước, chỉ khám bệnh ngoài giờ.

Thực tế lại cho thấy, một số phòng khám nha khoa tư nhân làm việc suốt ngày. Chắc chắn, vị bác sĩ phụ trách không thể có mặt tại phòng khám và người đứng ra khám, điều trị là các trợ lý, kỹ thuật viên, y sĩ không có chuyên môn. Cũng tại cơ sở T.H, chủ cơ sở cho một người con “tiếp quản” việc khám bệnh, dù người này vẫn đang theo học lớp Trung cấp y tế.

Khi đoàn kiểm tra hỏi vì sao lại cho một người đứng khám khi chưa đủ điều kiện, ông vô tư: “Hiện sức khỏe tui kém nhiều, nên mới giao cho con. Nó theo nghề tui từ nhỏ, tất cả kỹ thuật đều biết hết, đâu có sao!”. Một số cơ sở nha khoa tại huyện Châu Phú, TP. Châu Đốc, người tự xưng “bác sĩ”, trực tiếp đứng khám cho bệnh nhân nhưng không thể xuất trình bất kỳ bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn nào.


Theo Báo An Giang