(BVPL) - Một mùa mưa lũ nữa lại về, gánh nặng trong cuộc mưu sinh đã đè nặng lên đôi vai của bao người dân huyện Kỳ Sơn, giờ đây lại thêm gánh nặng nữa là phải sống trong thấp thỏm, sống trong lo lắng…  sống vì không biết lũ về có kéo họ đi cùng không.

 


Chúng tôi đến thượng nguồn sông Lam (miền Tây xứ Nghệ) để tìm hiểu về công tác phòng chống lụt bão nơi đây. Nơi chúng tôi đến là huyện Kỳ Sơn – miền biên viễn. Mặc dù là một trong những huyện miền núi nghèo nhất của tỉnh Nghệ An nhưng người dân ở đây đã quá quen với những cơn lũ quét, lũ ống đầy bất ngờ mỗi khi mùa mưa bão đến. Năm 2011, lũ quét đã làm cho nhiều hộ dân ven bờ sông Nậm Mộ từ xã Hữu Kiệm đến thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ bị đổ nát tan hoang, cầu đường bị phá hỏng. Năm 2012, toàn huyện xảy ra 3 đợt mưa lũ, kéo dài làm sập và ngập nước 281 ngôi nhà, 14 công trình trường học bị hư hỏng nặng. Nhiều tuyến giao thông bị sạt lở nghiêm trọng như: tuyến đi thị trấn Mường Xén – Mường Luống, Huồi Tụ - Bắc Lý, Pà Xắc – Mỹ Lý,… tổng thiệt hại ước tính trên 35 tỷ đồng. Ngay từ đầu mùa mưa lũ 2013, tại huyện Kỳ Sơn đã xảy ra đợt lốc xoáy làm tốc mái 67 ngôi nhà, 01 người chết, 01 người bị thương. Điều đặc biệt là nhiều hộ dân vẫn cố gắng bám trụ bên sông Nậm Mộ. Con sông đã từng “lấy” đi của họ cả tính mạng và nhiều tài sản có giá trị…

Trong khi hậu quả của những đợt lũ trước chưa được khắc phục thì một điều đáng báo động trong năm 2013 là có rất nhiều hộ dân lại tiếp tục xây nhà sát mép sông, thậm chí có xu hướng đổ trụ, làm nhà tiến ra phía lòng sông như muốn “trêu ngươi hà bá”. Chúng tôi đến nhà anh Lê Văn Hải tại thị trấn Mường Xén, anh cho biết: “Đợt lũ vừa rồi anh cũng bị thiệt hại nhiều về tài sản, biết là nguy hiểm, bấp bênh nhưng đây là nơi buôn bán thuận lợi, lại ở thị trấn nên có điều kiện để đi lại, chữa bệnh nên anh vẫn cứ bám để làm ăn sinh sống”. Còn chị Kha Thị Mế ở bản Cầu Tám, xã Tà Cạ đang ngồi bồng con trong ngôi nhà tạm bợ vừa xây xong cheo leo bên mép sông, cho biết: “Biết là nguy hiểm nhưng không có đất để xây nhà, hơn thế ở đây lại thuận lợi buôn bán nên cứ ở liều”. Chúng tôi đi dọc thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn nhìn thấy, hầu hết những ngôi nhà ở đây đều nhô ra sông Nậm Mộ rất nguy hiểm, không biết khi lũ về những ngôi nhà ở đây có chống chọi được hay không…? Chúng tôi mang những trăn trở đó đến hỏi các cấp có thẩm quyền và được ông Mùa Nỏ Xử, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Sau mùa mưa lũ năm 2011, UBND huyện Kỳ Sơn đã không cho người dân tiếp tục xây dựng nhà cửa dọc sông Nậm Mộ bên cạnh đường 7. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục xây dựng vì đất đã được cấp sổ đỏ, lại là điểm kinh doanh sinh lời… Cũng theo lời ông Xử, khu tái định cư với tổng mức đầu tư 3000 tỷ đồng đã được phê duyệt nhưng hiện nay chưa được cấp kinh phí nên chưa thể xây dựng để “kéo” dân ra khỏi khu vực sạt lở đó.

Ông Nguyễn Anh Đoài, Phó phòng NN&PTNT huyện Kỳ Sơn cho biết thêm: Kỳ Sơn hiện có hơn 1km kè dọc sông Nậm Mộ. Hiện UBND huyện đang xin dự án để xây dựng 1,9km kè ở khu vực thị trấn Mường Xén và 1,1km ở bản Khe Tỳ, xã Hữu Kiệm với tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiền dự án đến nay vẫn chưa được cấp nên chưa thể triển khai. Hơn 1km kè đi qua khối 4 thị trấn Mường Xén hiện đang thi công dang dở (khoảng 40% khối lượng công việc) do nguồn vốn đầu tư mới chỉ được 1/4 trong khi ngân sách huy động ở địa phương lại chưa có. Theo ghi nhận của chúng tôi, ta-luy bảo vệ sạt lở núi dọc đường 7 đi qua các xã Chiêu Lưu, Lưu Kiền đã có nhiều đoạn bị mưa lũ làm gãy lở, bong tróc, chỉ cần một vài trận mưa là đất đá có thể đổ xuống bất cứ lúc nào, sẵn sàng chia cắt tuyến đường 7. Thiếu kinh phí triển khai dự án trong khi một số công trình xây dựng kè đã bị hư hỏng, nhiều hệ thống có dấu hiệu bong tróc khiến tình hình sạt lở gây thiệt hại về người và của trên địa bàn huyện Kỳ Sơn trong mùa mưa lũ năm nay được dự đoán sẽ rất khó lường.

Rời Kỳ Sơn khi thị trấn phố núi đã lên đèn, cơn mưa giông ập tới như báo hiệu một cơn mưa lũ nữa lại sắp đến và người dân lại thêm lo lắng bất an, chính quyền lại thêm những  khó khăn mới. Chỉ mong sao “mưa thuận gió hòa”.
 

Trần Văn Hội

.