Đi chợ nổi bằng... xe máy, chuyện tưởng như đùa lại là chuyện thường ngày ở dưới chân cầu Tân Thuận (Q.7, TP.HCM). Dọc bờ sông Kênh Tẻ, mỗi ngày có hàng chục chiếc xuồng, ghe tập trung buôn bán trái cây từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm, người dân nơi đây gọi là chợ nổi.

 


Trái cây “ngon, bổ, rẻ”

Nghe đến hai từ “chợ nổi”, nhiều người thường nghĩ đến mảnh đất miền Tây mênh mông sông nước. Thế nhưng, giữa Sài Gòn tấp nập vẫn xuất hiện một phiên chợ nổi chẳng khác gì ở mảnh đất “chín rồng”. Chợ nổi Sài Gòn nằm dọc trên con đường Trần Xuân Soạn (đoạn dưới chân cầu Tân Thuận). Nơi đây chuyên bán các loại trái cây như dừa, xoài, chuối, mít… được chở từ các tỉnh miền Tây lên. Do lấy từ “miệt vườn” các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ… nên giá cả rất phải chăng: chôm chôm, thanh long khoảng 10.000 đồng/kg, chuối từ 10.000 - 20.000 đồng/nải, mít bóc vỏ 20.000 đồng/kg. Trái cây ở đây “ngon, bổ, rẻ” nên từ lâu chợ nổi này là điểm đến của nhiều người dân Sài Gòn.

Anh Nguyễn Hữu Thanh, một khách hàng ở chợ nổi cho biết: “Mua trái cây ở đây không sợ hàng Trung Quốc nên đảm bảo sức khỏe. Trái cây lấy ở “miệt vườn” nên tươi, ngon hơn”.

Chợ nổi Sài Gòn nhộn nhịp nhất khoảng từ 13g - 18g hàng ngày. Dù nước lớn hay nước cạn, dọc bờ sông luôn tấp nập xuồng ghe. Khách đến mua hàng, vào lúc nước cạn đứng chọn ở trên bờ, những lúc nước lớn có thể trực tiếp xuống ghe thoải mái lựa chọn.

Thông thường, khoảng từ 3 - 5 ngày các lái buôn sẽ trở về miền Tây lấy trái cây lên Sài Gòn buôn bán. Chị Nguyễn Thị Hương, một thương lái đến từ Bến Tre cho biết: “Mỗi chuyến tôi chỉ lấy vừa đủ bán, không ôm đồm nhiều quá. Vì nếu để lâu trái cây sẽ bị héo, không còn ngon nữa”.

Điều đặc biệt, người bán và người mua ở đây rất trật tự, cùng nhau vui vẻ “trả giá”, không thị phi, phức tạp như những phiên chợ khác. Được biết, lúc trước các ghe, thuyền cập bến sông Kênh Tẻ để đi bỏ sỉ đến các cửa hàng. Về sau, người dân biết đến, mách nhau đến mua hàng trực tiếp, dần dần hình thành khu chợ nổi như ngày nay.

Những phận người lênh đênh sông nước    

“Chúng tôi lấy trái cây từ nhà vườn giá rẻ, nhiều người tưởng chúng tôi có lãi nhiều. Thế nhưng, chi phí chở hàng lên chỉ giúp chúng tôi đủ trang trải cho cuộc sống” - anh Trần Văn Chung, một thương lái tại chợ nổi Sài Gòn chia sẻ.

Nghề thương lái khó nhọc và nhiều tâm tư hơn người ta vẫn nghĩ. Sở dĩ họ đến với nghề này bởi ở quê không đủ đất canh tác, buộc phải chọn kiếp sống lênh đênh trên sông nước để mưu sinh. Anh Chung tiếp tục trải lòng: “Nhiều khi đêm xuống, ở trong ghe nhìn ra ngoài toàn nước sông, tôi thấy chạnh lòng, cảm thấy cái nghề của mình bạc quá. Hai vợ chồng tôi lên đây buôn bán bỏ lại con nhỏ ở quê nhờ bà nội trông giúp. Mỗi lần về quê lấy hàng ghé qua thăm con, chỉ muốn ở nhà cùng con, nhưng ở nhà lấy gì nuôi con? Chỉ biết cố gắng làm ăn, mong đời con không phải lênh đênh sông nước như cha mẹ nó nữa”.

Chị Nguyễn Thị Hương, một người buôn bán lâu năm trên sông tâm sự: “15 tuổi tôi cùng cha nay đây mai đó mưu sinh. Cái nghề này bấp bênh lắm, giá trái cây lên xuống thất thường, bán được đồng nào mừng đồng đó, mong sao đủ ăn chứ không dám mơ dư dả”.

Với những người mưu sinh trên sông nước, chiếc ghe gắn với họ như một người bạn tri kỷ với nhiều kỷ niệm vui buồn. “Cuộc sống trên ghe nhỏ chỉ loanh quanh làm bạn với chiếc ghe, nồi cơm điện, bếp gas nhỏ và… tuổi tác già theo những con nước lớn, nước ròng. Chiếc ghe của tôi bị hỏng rồi, nhưng tôi không nỡ bán đi vì nó là phương tiện mưu sinh của ba đời gia đình tôi. Giờ tôi xem nó như một người bạn tri kỷ, có chuyện gì của gia đình tôi mà nó không biết đâu” - chị Hương chia sẻ.

Giữa lòng Sài Gòn xuất hiện những thương thuyền lênh đênh sông nước đã tạo nên nét duyên cho mảnh đất nơi này. Dù là những người buôn bán, nhưng họ giản dị, thật thà, hiếu khách đúng như cái chất của con người miền Tây. Nhiều khách hàng đến đây không chỉ để mua cân xoài, quả mít hay nải chuối… mà họ đến đây vì cái tính đáng mến của lái buôn. Ăn nói tự nhiên, thoải mái, giọng cười lúc nào cũng giòn giã dù cho cuộc sống lênh đênh sông nước có lắm gian truân.

 

Theo Đời sống & Tiêu dùng

.