Khi những trận gió heo may tràn về cũng là khi những cánh đồng lúa dưới chân đèo Khau Phạ chín vàng. Đó là thời gian từng bầy chim én từ phương Bắc bắt đầu cuộc di cư tránh rét xuống phương Nam. Tại Khau Phạ những tay lưới đã phục sẵn đón bắt những đàn én trên đường di cư vạn dặm...


Lúc này các tay thợ săn én chuyển từ giăng lưới sang làm những cây nêu cao vút, trên những cây nêu đó họ gắn những con én giả làm mồi, bên cạnh đó họ tẩm nhựa vào những chiếc que cắm dọc những cành của cây nêu. Khi lũ én đậu xuống, cánh dính vào nhựa cây không thể bay lên nổi rụng xuống mặt đất như sung chín. Đám thợ săn chỉ việc nhặt lũ én khốn khổ kêu trong nỗi tuyệt vọng bỏ vào giỏ. Hoặc họ giăng sợi dây thép qua hai cây tre chôn dưới đất, nối với sợi dây thép đó là một sợi dây thép khác với người thợ săn ở dưới mặt đất. Khi đàn én đậu đông, người thợ săn từ từ kéo sợi dây thép xuống rồi bất thình lình buông ra, sợi dây thép nảy tung lên như sợi dây đàn đập vào lũ én đang đậu trên đó, khiến con bị gãy cánh, con bị cụt chân, con bị đứt cổ... rơi lả tả khắp mặt đất. Không một con nào thoát chết, một kiểu bắt én tàn bạo chưa từng thấy, lông én và máu sau mỗi lần sợi dây thép bật tung làm nhoà mặt ruộng.

Lúc này mùa săn én trên Cổng Trời thật náo nhiệt, các tay lưới chỉ giăng cách nhau chừng 10-15m, mỗi lần giật lưới họ lại reo hò sung sướng. Loài chim bé nhỏ, người bạn gần gũi của nhà nông, loài chim mang thông điệp của mùa xuân sẽ có cả vạn con không qua nổi Cổng Trời, nơi những tay thợ săn đã giăng lưới đón đợi sẵn ở đây để bắt chúng.
 

Theo NNVN

.